Khi diện tích hẹp thì việc bố trí hoa lá nên tính toán gọn gàng. Chỉ cần vài khóm cẩm chướng, mười giờ, cúc vàng… cũng đủ để tạo điểm nhấn sang trọng trên nền khung sắt vuông vức. Những loại dây leo như trầu bà, trường xuân, cát đằng… vốn ưa những mảng tường bancông, hông nhà. Với các loại sỏi được gắn kết ngẫu hứng, với các thanh lancan để dây trầu buông thả mềm mại, bạn sẽ tạo nên một khung cảnh khá dễ chịu mà không cần phải quá cầu kỳ.
Tại những góc tường bancông hoặc sân thượng có diện tích và ánh sáng đầy đủ, rất nên kết hợp chút xíu thảm cỏ (cỏ mật, cỏ chỉ hay cỏ lông heo) xen lẫn với một số hoa nhỏ như cúc xanh, hoa dừa cạn, dã quỳ… để làm nên tiểu cảnh xinh xắn. Chú ý phối hợp với trụ đá, sỏi cuội làm giới hạn mảng cỏ và không cần phải “đua chen” nhiều hoa rực rỡ. Ngoài ra, cần bố trí linh hoạt các chậu cây nhằm dễ thay đổi khi cần thiết.
Lá đơn sắc nếu khéo sử dụng sẽ giúp khung cảnh ấn tượng hơn, ví dụ như dương xỉ xanh non, trạng nguyên đỏ rực hay xương rồng xanh thẫm… Nếu bancông ở hướng thoáng gió và có nắng, có thể dễ dàng đặt những chậu lan Ý, thiên điểu để tạo nên một hình ảnh mang chất nhiệt đới, tạo nét rắn rỏi tươi tắn.
Vài lưu ý
Cây trồng trong bồn không nên quá cao vì có thể làm mất tính cân đối và gây bất tiện khi đóng mở cửa sổ. Cẩm tú cầu, lài Mỹ, hồng tỷ muội, cẩm chướng, cúc Đà Lạt, dừa cạn, thanh hoa, thanh tú, cúc Singapore… được xem là những loài hoa hợp với trồng bồn.Tránh tình trạng “hợp chủng cây” để tạo sự đồng nhất cho mặt tiền ngôi nhà. Nên kê chậu trên gạch, giá đỡ hoặc sử dụng chậu có đĩa bên dưới để giúp thoát nước tốt và không làm ố bề mặt sàn gạch; Không nên trồng cây có gai nhọn, lá sắc gần nơi cửa sổ hoặc cửa đi ra bancông, vì chúng có thể gây nguy hiểm khi đóng, mở cửa; Nên rải một ít sỏi trắng trên bề mặt chậu cây cảnh để giữ vệ sinh và chống muỗi.
(Theo Đô thị)