Ý tưởng này được giải quyết bằng việc bố trí không gian uyển chuyển, hòa quyện vào nhau và những đường cong là giải pháp tốt nhất. Người đảm trách việc thiết kế căn hộ chia sẻ: “Nhiều người cho rằng việc sử dụng các đường cong mềm mại trong thiết kế là phí diện tích và chỉ phù hợp với các không gian rộng.
Tuy nhiên, với một không gian vừa đủ, nếu khéo léo một chút thì đây chính là phương án tiết kiệm diện tích. Những chỗ cần được “phình” to ra, những chỗ phải tiết kiệm được “bóp” lại mà không gian vẫn liền lạc, hài hòa một cách chặt chẽ, thì người sử dụng sẽ cảm nhận được đây là một không gian rộng rãi”.
Quan niệm đó được cụ thể hóa rõ nhất ở không gian đón tiếp của căn hộ. Đó là tổ hợp các khu vực phòng khách - bàn ăn - quầy bar và bếp. Đây là một không gian mang tính giao lưu cao, mà điểm nhấn chính là quầy bar tròn - trung tâm của mọi hoạt động giao tiếp. Hệ thống tủ kệ bếp cũng được thiết kế nương theo đường cong của quầy bar để tạo nên khối một trụ tròn mà mọi chuyển động của người nấu bếp trở thành trung tâm.
Với lối thiết kế này, một dây chuyền hoạt động hợp lý được thiết lập, tạo điều kiện để chủ nhân vừa làm bếp vừa tiếp khách. Như vậy, tùy theo tính chất của những buổi họp mặt và cách thức tổ chức của gia chủ mà nơi đây sẽ mang lại những cảm giác khác nhau: thân mật, gần gũi hoặc lịch lãm, trang trọng đều được.
Dường như thiết kế không chỉ đáp ứng được nhu cầu, mà còn góp phần tạo nên một nét sinh hoạt và lối sống của chủ nhà. Các đường cong cũng được vận dụng trong việc bố trí ánh sáng để tạo nên một sự thống nhất của không gian tổng thể, biểu hiện ở hệ thống đèn trang trí chiếu sáng tại ba khu vực là phòng khách, bàn ăn và bếp. Những nguồn sáng tập trung tạo sự thu hút riêng cho từng khu vực đồng thời tạo vẻ sinh động cho toàn bộ không gian.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần