>> Nên quy tội danh hình sự cho "tham nhũng nhà công vụ"
Tại hội thảo này, theo đại biểu Lê Như Tiến, nên đưa tội tham nhũng nhà công vụ vào Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, số lượng nhà công vụ hiện nay rất lớn. Chính sách nhà công vụ là đúng đắn để bảo đảm chỗ ở cho cán bộ, viên chức, công chức.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (ảnh: IE) |
Trong đó, có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các viên chức, công chức được điều động công tác, luân chuyển, xa nơi ở cũ nhưng không có khả năng, điều kiện mua nhà mới có chỗ ở để yên tâm công tác.
Còn có cả những quân nhân, giáo viên, bác sĩ… khu đến vùng sâu, vùng xa họ cần có nhà ở để ổn định cuộc sống. Trong quá trình triển khai chính sách, đa số thực hiện đúng nhưng cũng có một số trường hợp thực hiện chưa đúng, có những người sử dụng nhà công vụ chưa đúng mục tiêu đề ra. Trong những trường hợp này như đại biểu Quốc hội đã nêu thì phải sớm khắc phục ngay.
- Thưa ông, những bất cập này nguyên nhân do đâu?
Thời gian qua, thực tế những chính sách, quy định pháp luật về nhà ở công vụ chưa cụ thể, đầy đủ. Thậm chí, Luật Nhà ở năm 2005 quy định chưa rõ về đối tượng, thời hạn sử dụng, giá thuê… Hiện nay, nhà công vụ do rất nhiều cơ quan quản lý, Trung ương thì do các bộ, ngành quản lý, địa phương nơi thì các sở, nơi thì các cơ quan tự quản lý…
Gần đây, Bộ Xây dựng mới được giao quản lý nhà công vụ và Bộ cũng chỉ quản lý 180 nhà công vụ, chiếm 1,4% tổng số nhà công vụ của cả nước. Chính phủ cũng đã biết những nguyên nhân, thực trạng quản lý nhà công vụ có nơi chưa tốt. Đơn cử, người đã hết thời gian công tác, dù có nhà rồi nhưng không trả lại nhà công vụ. Đó là lỗ hổng pháp luật cần phải có quy định cụ thể.
Khi cán bộ, công chức chưa trả nhà công vụ thì không gọi là tham nhũng (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
- Thưa ông, vậy cần hoàn thiện pháp luật ra sao để bịt lỗ hổng này?
Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2013. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn về đối tượng, nhà ở cho các địa phương thực hiện và có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi có công văn yêu cầu phải trả lại nhà cho nhà nước đối với các chủ nhà không còn công tác nữa nhưng vẫn không giao lại nhà.
Một điều cần làm nữa là giải quyết chính sách cho công chức, cán bộ sau khi đã họ trả nhà công vụ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị trong Luật Nhà ở (sửa đổi) có một chương quy định về nhà công vụ tại kỳ họp Quốc hội này.
Cụ thể, sau khi trả nhà công vụ thì cán bộ, viên chức, công chức… nếu có nhu cầu sẽ được giải quyết mua nhà ở xã hội theo quy định. Tuy nhiên, nhà ở xã hội ở đây thì tiêu chuẩn phải nâng cao, mở rộng cho nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn về loại nhà ở xã hội, đối tượng và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Để đảm bảo công bằng, Chính phủ sẽ quy định theo hướng, các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở thì được mua nhà ở xã hội.
- Ông có cho rằng, những trường hợp cố ý chiếm đoạt nhà ở công vụ, nhất là những biệt thự lớn là hành vi tham nhũng không?
Hiện tại, chưa thể nói cụ thể là chiếm đoạt hay không mà trước hết phải nói về vấn đề ý thức để những đối tượng này phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước. Bên cạnh đó, họ chưa giao trả có thể do chúng ta nữa. Vì thế, Nhà nước có thể đứng ra thu lại, tuy nhiên, Nhà nước chưa thu nên cũng không thể nói người ta tham nhũng, chiếm đoạt được.
- Xin cám ơn ông!