Từ hoạt động vận hành và quản lý các chung cư thời gian vừa qua, ông Đực nhận định, việc thu phí bảo trì chung cư 2% giá bán căn hộ là bất công. Bởi vì, giá bán căn hộ phụ thuộc vào vị trí và từng thời điểm nên có thể chênh nhau tới 30%. Phí bảo trì nếu cứ ấn định bằng 2% giá bán thì sẽ thiệt thòi cho người dân mua nhà giá cao, họ phải nộp phí bảo trì cao hơn người khác mặc dù căn hộ có cùng diện tích.
Đồng thời, số tiền quỹ bảo trì của một tòa nhà chung cư là khá lớn, trung bình rơi vào khoảng 10 tỷ đồng/chung cư. Cá biệt có những nhà chung cư lớn, nhiều căn hộ nhiều thì khoản tiền bảo trì này có thể lên tới trăm tỷ. Đó là một số tiền lớn nhưng không được đưa vào sản xuất mà lại phải gửi ngân hàng. Mặt khác, chỉ có 2 người trong ban quản trị quản lý số tiền đó nên rất rủi ro những người người dân khác sống trong chung cư.
Hiện nay, số quỹ bảo trì của các chung cư khá lớn. Ảnh minh họa |
Trên thực tế, nhiều người thấy được nguồn lợi đó nên đã rất hăng hái vận động và ứng cử để được vào ban quản trị. Họ chỉ có số tiền khoảng 1 tỷ đồng nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi và quyền lực như "chủ chung cư”. Trong khi đó, các chủ đầu tư lại bị đưa ra ngoài, chỉ được giữ chức phó ban quản trị không có quyền lợi và quyền lực gì.
Qua những phân tích trên, Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành kiến nghị, không nên thu phí bảo trì chung cư bằng 2% giá bán căn hộ bởi như vậy sẽ dễ nảy sinh tiêu cực trong quá trình quản lý, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân trong chung cư.
Bên cạnh đó, chỉ nên thu phí bảo trì từ 10-20 nghìn đồng/m2 căn hộ cho từng đợt căn cứ vào nhu cầu bảo dưỡng, duy tu, không nên để tồn số tiền quá lớn cho 2 người nằm trong ban quản trị. Đặc biệt, cho phép 2-3 người trong ban quản trị quản lý quỹ bảo trì nhưng trong đó phải có sự tham gia của 1 người là đại diện chủ đầu tư.