Muôn Nhà - Kênh thông tin mua bán, cho thuê Nhà đất, bất động sản

Tìm nhanh. VD: Vinhomes Central Park

Kiến trúc đô thị Tp.HCM: “Đừng quay lưng với những dòng sông”

“Thành phố ta rất giàu quỹ mặt nước”, KTS Nguyễn Văn Tất nói về đặc điểm sông nước của Sài Gòn – Tp.HCM và coi đó là một tài nguyên lớn. Cuộc trò chuyện của ông với Kiến trúc & Đời sống đầu xuân 2014 xoay quanh câu chuyện làm sao để có thể sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên này cho sự phát triển, cho đời sống của người dân thành phố.

Nói đến Sài Gòn sông nước là tôi nghĩ ngay đến… sông nước Sài Gòn. Ở đây không phải là chuyện chơi chữ. Sông nước Sài Gòn là một yếu tố lớn của đô thị Sài Gòn chứ không phải là bản chất của cấu trúc đô thị. Nó có thể cho mình một định hướng chính xác hơn hoặc xây dựng những hình mẫu cho vấn đề phát triển của thành phố.

Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có lần tôi đi từ nông trường Đỗ Hoà (Duyên Hải – nay là Cần Giờ) về Tp.HCM bằng đường sông. Trời tối, lớ ngớ thế nào, đoàn bị lạc. Dù sống ở Sài Gòn – Tp.HCM đã lâu, buổi tối đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận thành phố từ sông nước ở hướng Bình Chánh. Tôi không nhận ra hay nói đúng hơn là kinh ngạc giữa mênh mông sông nước của Sài Gòn. Cho đến lúc đó, tôi cũng nghe nói về một Sài Gòn sông nước nhưng vẫn không thể tưởng tượng được sông nước Sài Gòn lại bao la đến thế.

Đúng như vậy. Vẫn có những thời điểm, người ta có thể hào hứng, điềm nhiên lấp một đoạn sông rạch nào đó cho cái gọi là “phát triển đô thị”.

Sài Gòn có một mạng sông rạch kênh mương chằng chịt, có thể nói là thành phố ta rất giàu về quỹ mặt nước so với nhiều thành phố khác. Nhưng đã có một sự quên lãng về chính sách trong những năm qua. Đây là sự phí phạm rất lớn nguồn tài nguyên lớn lao này. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử quay lưng với những dòng sông.

Tôi cho rằng sự trở lại với quỹ mặt nước phong phú này là việc chắc chắn phải xảy ra, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nay đã bắt đầu có chuyển động thì rất đáng hoan nghênh.

Ta đã có một số cụm đô thị mới tiếp cận với sông nước nhưng theo chủ quan tôi nhận xét, đó vẫn chỉ là dùng sông nước như cảnh quan điểm xuyết cho kiến trúc. Với tôi, ứng xử như vậy, với một chút cải thiện, cũng vẫn là một cách quay lưng với dòng sông.

Khác với các đô thị như Venise, Rosterdam hoặc như một vài đô thị khác của vùng Cà Mau có yếu tố sông nước bao trùm, Sài Gòn – Tp.HCM là sự giao thoa giữa sông nước và hệ thống giao thông bộ bình thường. Với một đô thị sông nước thì giao thông thuỷ là giao thông chính tắc, là cực kỳ quan trọng. Với đô thị bình thường thì giao thông bộ là chính. Sài Gòn có giao thoa trên bến dưới thuyền, là đầu mối lớn cả về giao thông thuỷ và giao thông bộ. Ngoài sông Sài Gòn, sông Đồng Nai còn có hệ thống sông Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Ông… Giai đoạn đầu của phát triển Sài Gòn, bến Bình Đông, rạch Bến Nghé là trục thương mại cực kỳ nhộn nhịp. Nó để lại cho ta một di sản kiến trúc thực sự lớn ở vệt này. Các trung tâm đô thị hình thành ở thời kỳ tiếp sau có thể kể Chợ Lớn, khu Thủ Đức… và hiện nay có thêm Thủ Thiêm. Sự phát triển này dựa trên giao thông đường bộ. Nếu ta xem đó là quy luật để quên đi giao thông thuỷ thì là một sai lầm. Giao thông thuỷ ngày nay rất phát triền. Xa thì có Pháp, Bỉ, Hà Lan, gần thì có Bangkok, họ kết nối giao thông thuỷ và giao thông bộ rất tốt.

Có thể đồ án của Nikken Sekkei đã giải quyết được về nguyên tắc khai thác mặt nước kết hợp với bờ sông. Giả sử có một sân khấu nước ở vị trí tiếp cận được bằng đường thuỷ thì sẽ có ấn tượng đẹp về không gian chuyên dụng của công trình.

Có được đồ án quy hoạch với không gian đô thị giàu bản sắc Sài Gòn, theo tôi, cần đặt giao thông thuỷ về đúng tầm vóc của nó. Đó là sứ mệnh chung của cả thành phố này.

Cái đầu tiên cần làm và phải làm được là kết nối giao thông thuỷ – bộ. Ở đây không chỉ là kết nối lý tính thông thường theo kiểu có thuyền thì có bến mà phải là kết nối công năng được tổ chức bài bản, đòi hỏi phải có sự tiếp nhận từ bến đến các phương tiện khác của hệ thống giao thông bộ.

Giao thông thuỷ trong đô thị hiện nay có yếu tố giao thông – giải trí – du lịch chứ không đơn thuần là vận chuyển hàng hoá. Trong đời sống thực tế, con đường hiệu quả nhất không hẳn là đường thẳng. Có công trình ngay bờ sông nhưng cũng có công trình xa bờ sông. Giao thông thuỷ phải có bến, có điểm đón để đưa du khách tiếp tục hoà nhập vào hệ thống đường bộ. Tôi mới đi Bangkok và tham gia một chuyến du lịch đường thuỷ. Tôi nhận thấy có hơn phân nửa là khách nội địa dùng đường thuỷ như phương tiện giao thông thuần tuý. Ở nơi kẹt xe như Bangkok thì giao thông thuỷ đúng là lý tưởng.

Lâu nay ta đầu tư rất nhiều tiền cho xe bus nhưng tại sao tuyến giao thông thuỷ với nhiều ưu điểm về đầu tư lại chưa được quan tâm khai thác? Rạch Thị Nghè – kênh Nhiêu Lộc là một điểm son về cải thiện môi trường đô thị. Cùng với dòng chảy thông thoáng là hai con đường bên rạch. Nói cách nào đó có vẻ như thừa nhưng nếu giao thông thuỷ được tổ chức tốt thì hai con đường hai bên sẽ là nơi thu gom, phân bổ để phát huy tối đa năng lực hiệu quả của giao thông thuỷ. Tiếc là ta chưa làm được điều này. Nếu như chính sách được khẳng định và ấn định từ sớm có lẽ đã không có hàng loạt cầu qua rạch không có độ tĩnh không, không đảm bảo mỹ quan đô thị như hiện nay.

Ta cần còn đường – dòng sông – kênh rạch được kết nối hoàn chỉnh bởi taxi sông, bus sông với đường trên bộ. Ta vẫn còn tư tưởng ngôi nhà quay ra phố mới là nhà mặt tiền, còn nhà quay ra sông là phần phía sau của căn nhà. Ta quên mất dòng sông là một đại lộ thênh thang mát mẻ. Tại sao nó không phải là mặt tiền?

Chính xác là đừng lãng quên, đừng phí phạm giá trị những dòng sông. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Nó đòi hỏi phải chuyển từ trong suy nghĩ, đòi hỏi cả một quá trình.

Tôi nhắc lại sự kiện vừa diễn ra dịp 30.4.2013. Thành phố tổ chức cuộc đua ghe ở cầu Mống. Đường và cầu là khán đài để người dân quan sát sự kiện diễn ra trên mặt sông. Đó là hình ảnh thể nghiệm một quảng trường nước. Dù là một sự kiện nhỏ nhưng cũng đã gặp không ít ý kiến khó khăn. Rất may là sau khi xong mọi chuyện, hình ảnh để lại là ấn tượng tốt.

Lẽ ra với điều kiện tự nhiên của Sài Gòn ta phải làm những cái như vậy nhiều hơn. Có những việc làm mà ta không dễ hình dung ngay ra được.

Hơn 20 năm trước, năm 1990, khi đang làm ở Sài Gòn tourist, tôi có cơ hội góp ý cho phương án đang được cân nhắc lựa chọn cho dự án Phú Mỹ Hưng. Tôi hết sức ấn tượng với một “phạm quy” của công ty Skidmore Owings & Merrill- SOM (Mỹ), đơn vị chủ trì thiết kế Phú Mỹ Hưng. Thay vì chỉ cần vẽ đô thị cho phần sẽ phát triển là 1.600ha thì họ vẽ vượt thêm thành tổng cộng 2.700ha. Dù chỉ là bản vẽ phác nhưng việc vẽ mở rộng thêm cho một vùng với những hoạch định cảnh báo sẽ có liên quan như vậy là cần thiết. Tôi còn nhớ mình đã có ấn tượng đẹp thế nào với bản vẽ tay phác thảo cho một quảng trường nước trung tâm với đường bờ cong ấn tượng. Hơn hai mươi năm sau, cầu Ánh Sao đã hoàn thành ở đó và trở nên một điểm cảnh quan nổi tiếng. Phú Mỹ Hưng đã hình thành giữa vùng sông nước dù thực chất nó không phải là một đô thị sông nước. Quảng trường nước chỗ cây cầu Ánh Sao phải chăng là một giá trị?

Kiến trúc quy hoạch không phải là gạch đá bêtông, là mảng xanh mà giá trị cốt lõi lâu dài là giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó.

Quỹ mặt nước của Sài Gòn – TP.HCM

Tp.HCM có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng. Sông Ðồng Nai Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực khoảng 45.000km². Với lưu lượng bình quân 20 – 500m³/s, hàng năm cung cấp 15 tỉ m³ nước, sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính của thành phố. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản, chảy qua Thủ Dầu Một đến Tp.HCM, với chiều dài 200km và chảy dọc trên địa phận thành phố dài 80km. Sông Sài Gòn có lưu lượng trung bình khoảng 54m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 – 370m, độ sâu tới 20m. Nhờ hệ thống kênh Rạch Chiếc, hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn nối thông ở phần nội thành mở rộng. Một con sông nữa của TP.HCM là sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra biển Đông bởi hai ngả chính Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thuỷ chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn. Ngoài ra, Tp.HCM còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Tẻ, Tàu Hủ, kênh Ðôi...

Năm 1985, diện tích mặt nước ở Tp.HCM chiếm trên 25% diện tích tự nhiên của thành phố. Nhưng do phát triển các dự án đô thị, đến nay, diện tích mặt nước ở nội thành chỉ chiếm 10,43% tổng diện tích tự nhiên. Số liệu toàn thành phố hiện ước tính tổng chiều dài sông, rạch, kênh… gần 8.000km, diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích.

Theo sở Giao thông vận tải Tp.HCM, sở đã phối hợp với sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu thực địa đề xuất xây dựng, cải tạo từ nay đến năm 2015 tất cả 18 cầu tàu, nhà chờ. Còn lại 34 vị trí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo phương thức xã hội hoá. UBND TP cũng giao cho tổng công ty Du lịch Sài Gòn khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến do đơn vị quản lý gồm Bình Quới 1, 2, 3 và Tân Cảng cũng như đầu tư xây bến tại khu vực Cresent Mall.

(tổng hợp theo trang city web Tp.HCM, báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Nhân Dân)

Bài viết liên quan

Bán shophouse Nghệ AnBán chung cư Đồng ThápPhòng trọ Lào CaiVăn phòng Sơn LaCho thuê kho Nam ĐịnhCho thuê nhà Hồ Chí MinhCho thuê biệt thự Hà NộiCho thuê biệt thự Cà MauCho thuê nhà mặt phố Cần ThơCho thuê nhà mặt phố Quảng TrịBán đất Đầm DơiBán Condotel Mường ChàBán chung cư Mỹ ĐứcBán nhà mặt phố Phù MỹBán nhà mặt phố Châu ĐứcPhòng trọ Cẩm ThủyVăn phòng Đầm DơiVăn phòng Phong ĐiềnCho thuê căn hộ Dương Minh ChâuCho thuê biệt thự Quận 10Bán đất Phường 3Bán căn hộ Xã Nghĩa TháiNhà trọ Xã Hồng HóaCho thuê shophouse Xã Tân ThủyCho thuê nhà mặt phố Xã Quất ĐộngBán kho Đường Tỉnh Lộ 706Văn phòng Đường Trung PhụngCho thuê shophouse Đường Trần Đăng PhongCho thuê căn hộ Đường Phúc Long 6Cho thuê biệt thự Đường Tân Hiệp 8Chung cư Xi Grand CourtChung cư Panorama City Nha TrangCăn hộ Hoàng Hải Complex Phú QuốcCho thuê căn hộ Dragon TownCăn hộ An HòaBán nhà RichHomeChung cư Chung cư Hòa LongCăn hộ B1 Giảng VõChung cư Đại Phước Center CityCho thuê căn hộ Green Homes