Rộng 2,6 ha, Cửu Long thành (hay còn gọi Thành trại Cửu Long) từng là nơi sinh sống của 33.000 người. Với lối kiến trúc “không đụng hàng”, nơi đây gồm nhiều ngôi nhà nhỏ xây chồng lên nhau cho đến khi thành tòa nhà cao tầng. Các tầng thông với nhau bằng hệ thống cầu thang ngoằn ngoèo bên cạnh những đường dây điện chằng chịt.
Không giống ai
Nhiếp ảnh gia Greg Girard đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu khu định cư độc đáo này trước khi nó bị phá hủy vào năm 1994. Ông cho biết bản thân vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy Cửu Long thành. Ông nhớ lại: “Chúng là những tòa nhà kỳ quái khổng lồ. Thành trại Cửu Long không giống bất kỳ khu định cư nào trên thế giới. Nhà mới cứ được xây chồng lên những căn cũ và một số bức tường bị phá vỡ để làm cầu thang. Rất nhiều căn hộ không thể tiếp cận với gió trời cũng như không gian mở bởi chúng dần dần bị dồn vào giữa khối nhà”.
Cửu Long thành trước khi được dỡ bỏ
Khu vực này trước đây là pháo đài cũ của triều đại nhà Thanh và không thuộc diện quản lý của chính quyền thuộc địa Anh ở Hồng Kông. Kết quả là người dân khu vực tự ý dựng nhà mà không cần quan tâm đến những quy định an toàn. Ẩn sâu bên trong thành trại là một loạt doanh nghiệp nhỏ hoạt động đủ ngành nghề và không ngừng phát triển. Mặc cho cấu trúc hết sức lạ đời, cuộc sống của mọi người ở đó lại rất bình dị. Nhiếp ảnh gia Girard nhận xét: “Họ vẫn làm những việc bình thường. Tất cả những điều bình thường vẫn diễn ra ở một nơi đặc biệt”.
Cộng đồng thông minh
Sự phức tạp của khu định cư này đã thu hút kiến trúc sư Aaron Tan, hiện là giám đốc một công ty kiến trúc ở Hồng Kông. Vào thời điểm đó, ông Tan còn là sinh viên và quyết định thực hiện luận án tốt nghiệp về Cửu Long thành khi nó đang bị tháo dỡ. Ông kể: “Tôi đã bị mê hoặc. Những căn hộ không khác nào các bộ phận của một cỗ máy hoạt động hiệu quả. Từng phần, từng phần được tháo dỡ đã lần đầu tiên hé lộ bên trong của Cửu Long thành. Khi được tận mắt chứng kiến, tôi nhận ra ngay người dân ở đây thông minh hơn hẳn nhiều kiến trúc sư. Họ nghĩ ra cách giải quyết các vướng mắc đời thường mà không hề dựa vào lý thuyết sách vở”.
Ông Tan tỏ ra ấn tượng với hệ thống nước bên trong cộng đồng này. Để có đủ nước cho mật độ dân số dày đặc, người dân đã tự khoan nhiều giếng và lắp đặt hàng ngàn đường ống trong mọi ngõ ngách của thành trại. Tuy nhiên, để bơm được nước vào các bể dự trữ thì phải cần nguồn điện lớn. Chính vì vậy, người dân thường thay phiên tiết kiệm điện để bảo đảm ai cũng có nước dùng. Ông Tan nhận định: “Điều này cho thấy không có thử thách nào làm khó được cộng đồng của Cửu Long thành. Họ không chỉ nghĩ ra các biện pháp khôn ngoan mà còn đồng tâm hiệp lực thực hiện”.
Thành trại Cửu Long đã bị phá hủy tròn 20 năm để thay bằng một công viên. Dù vậy, di sản của nó vẫn không dễ phôi phai. Một bảo tàng về khu định cư này đã được dựng lên gần đó trong lúc bối cảnh của nó được đưa lên phim và trò chơi điện tử. Ngoài ra, như lời ông Tan, kiến trúc của khu vực này chính là nguồn cảm hứng cho các tòa nhà hiện đại ở Hồng Kông ngày nay.