Tự phong
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội môi trường xây dựng Việt Nam khẳng định, xu hướng xây dựng và phát triển công trình xanh (CTX) là tất yếu, được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu, mang lại hiệu quả cao cho cả người sử dụng và chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các dự án CTX chưa nhiều, tập trung chủ yếu ở những khu nhà ở thương mại có giá thành cao. Mặt khác, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xanh quốc gia nên hầu hết các dự án xanh đều do chủ đầu tư lựa chọn tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC).
Chưa thống nhất được tiêu chí xây dựng dự án xanh. Ảnh minh họa
Ông Dũng cho hay, các tiêu chuẩn trên đều giống nhau ở 6 yếu tố cơ bản mà quốc gia nào cũng phải theo, gồm: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, hiện nay, có một số dự án chung cư lạm dụng danh xưng như "Eco" (sinh thái), "Green" (xanh), "Nature" (thiên nhiên) để đặt tên cho các dự án của mình nhưng ở Việt Nam mới chỉ có 1 dự án chung cư đầu tiên tại Tp.HCM được cấp chứng chỉ Edge của Mỹ.
Ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) cũng cho biết thêm, nhiều dự án chung cư gắn mác "xanh" được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào, phần lớn phục vụ mục đích bán hàng. "Một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án" - ông Long phân tích.
Đâu mới là tiêu chí đánh giá?
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí quốc gia về công trình xanh. Bởi, hiện nay quá nhiều tiêu chí khiến các chủ đầu tư lan man, không biết nên chọn xây dựng theo tiêu chí nào.
Thực trạng mỗi công trình xanh một tiêu chuẩn, hoặc không theo tiêu chuẩn nào cũng bởi cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển CTX. Hơn nữa, các chủ đầu tư cũng chưa chú trọng phát triển công trình xanh.
Chẳng hạn, tiêu chí xanh Lotus của VGBC (Việt Nam) chú trọng đánh giá các tác động tiêu cực tới môi trường; sử dụng tài nguyên hiệu quả; mức độ tiện nghi của người sử dụng trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành...Trong khi, tiêu chí Edge của Mỹ chỉ cần công trình tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước và vật liệu. Việc xây dựng tiêu chí quốc gia về CTX sẽ giúp các đơn vị tư vấn đánh giá có cơ sở để xây dựng tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện Việt Nam, thực hiện đồng bộ.
"Đầu tư CTX chỉ làm tăng thêm chi phí xây dựng khoảng 5 - 10% so với đầu tư thông thường. Thậm chí có hệ thống tiêu chí, chỉ cần tăng thêm 2% chi phí đầu tư là có được CTX, chủ đầu tư lại dễ bán nhà, tiết kiệm được khoản chi phí vận hành rất lớn" – ông Dũng cho biết.