Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của đất nước và cũng là điều kiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2014.
Khi trao đổi với phóng viên dịp đầu Xuân, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã cho biết một số ý kiến về thực hiện Luật Đất đai 2013 đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đây của người dân và doanh nghiệp.
Tổng kết năm 2014, ngành tài nguyên môi trường đã triển khai thành công nhiều hoạt động. Trong đó, thành công nổi bật nhất là việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?
Từ ngày 1/7/2014, Luật Đất đai 2013 đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, Luật đã quy định cụ thể những yêu cầu của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Bảo hộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; quy định cụ thể về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất khi đủ điều kiện, kể cả trường hợp sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi cũng nhấn mạnh đến quyền được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt, Luật đã quan tâm hơn đến vấn đề an sinh xã hội như tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai mới giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân và
doanh nghiệp.
Một điều rất đáng ghi nhận là Luật Đất đai mới đã quy định mở rộng hơn về quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra Luật cũng quy định bình đẳng hơn trong việc áp dụng quy định về thu hồi đất, hình thức giao đất, cho thuê đất giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể hơn vai trò giám sát của người dân. Theo ông, ví dụ nào chứng minh quy định này được áp dụng hiệu quả?
Luật Đất đai mới có rất nhiều điểm đổi mới nổi bật, trong đó có việc tăng cường vai trò giám sát của người dân thông qua các tổ chức chính trị, mặt trận tổ quốc, cũng như sự tham gia trực tiếp của người dân vào các việc mà cơ quan Nhà nước ra quyết định hành chính về đất đai. Tôi lấy ví dụ, trong khâu quy hoạch, Luật quy định việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất các cấp phải lấy ý kiến của người dân. Sau đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có báo cáo tiếp thu và giải trình. Một ví dụ khác là liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai sửa đổi yêu cầu UBND cấp tỉnh phải trình HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án thu hồi đất.
Trong Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội cũng yêu cầu phải hạn chế trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thay vào đó phải tăng cường các giải pháp là người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Từ đó, những trường hợp thuộc diện thu hồi đất thì HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm đại diện cho người dân xác định danh mục các dự án thuộc diện thu hồi. Khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng thực hiện như vậy. Luật quy định rằng, trước khi phê duyệt phương án bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước phải xem quyền lợi của người dân đã đồng thuận và việc bố trí đất đã thỏa đáng hay chưa để có phương án điều chỉnh hợp lý. Để thực hiện hiệu quả yêu cầu này, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố số điện thoại (043.7957889) để người dân có thể phản ánh những vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, kịp thời có hướng giải quyết và xử lý.
Hiện có một số ý kiến cho rằng Luật Đất đai mới vẫn còn bỏ ngỏ trách nhiệm của người đứng đầu và chưa quy định chế tài xử lý. Vậy theo ông, có cần phải quy định chế tài hay không, hoặc nếu không có chế tài thì cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu như thế nào?
Trên thực tế, chúng ta đã có hẳn quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho người dân. Các quy định của pháp luật cũng đã có đề cập đến việc xử phạt hành chính đối với việc cơ quan quản lý không cung cấp thông tin về đất đai. Tôi cho rằng, nói không có chế tài cũng không phải, tuy nhiên, thực tế đang tồn tại một thực trạng là các cơ quan và người đứng đầu có thực hiện đầy đủ và nghiêm các quy định của Luật hay không thì quá trình triển khai cần phải có kiểm tra, giám sát để có sự điều chỉnh hợp lý.
Nhận định về thị trường BĐS, có ý kiến cho rằng các chính sách về đất đai trong thời gian qua đã có tác động tích cực tới các hoạt động của thị trường. Những tác động này đã được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Tôi phải khẳng định là các chính sách về đất đai có mối quan hệ rất chặt chẽ với thị trường BĐS. Luật Đất đai 2013 và những văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã có những đổi mới và có tác động nhiều đến thị trường. Cụ thể, Luật mới đã quy định rất chặt chẽ về điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra những chế tài mạnh về thu hồi đất mà không bồi thường đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng sẽ giúp lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự án…
Ngoài ra, Luật cũng quy định việc xây dựng khung giá đất, bảng giá đất là định kỳ 5 năm một lần. Nhưng khi có biến động thì cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tính thuế, phí, bảo đảm Nhà nước không bị thất thu, giúp thị trường BĐS khởi sắc hơn.
Việc tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai một cấp và xã hội hóa dịch vụ tư vấn xác định giá đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai cũng giúp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ thị trường, giúp thị trường minh bạch hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!