1. Thường xuân
Không chỉ làm cảnh, thường xuân còn là loại cây hút ẩm không khí rất ấn tượng. Cây có nguồn gốc từ các vùng biển thuộc châu Âu, môi trường sống tự nhiên là các khu rừng ẩm, khí hậu mát mẻ. Thường xuân sẽ phát triển tốt trong những căn phòng ẩm ướt nhất ngôi nhà như phòng tắm, phòng bếp. Khi trồng trong nhà, người ta thường trồng thường xuân vào trong chậu treo để cây mọc rủ xuống phía dưới, không leo lên tường. Nhiều người thích treo chậu thường xuân phía trên bồn rửa trong bếp hoặc cạnh cửa sổ để cây hút bớt hơi ẩm.
2. Lan Ý
Là một loài thực vật nhiệt đới có nguồn gốc từ một số vùng của châu Mỹ nhưng cây lan Ý (buồm trắng) không chịu được sương giá hoặc gió lùa. Vì vậy cây thường được trồng trong nhà, có thể phát triển mạnh với điều kiện ít ánh sáng, nhiệt độ ổn định, không cần nhiều sự chăm sóc. Bạn chỉ nên tưới nước khoảng một lần một tuần, còn lại cây sẽ lấy độ ẩm trong không khí để sinh trưởng. Bạn cũng có thể đặt cây lan Ý trong phòng tắm để hút ẩm không khí và lọc bớt một số chất độc hại.
3. Cỏ lan chi
Cỏ lan chi còn có tên gọi phổ biến khác là cây dây nhện, có khả năng hấp thụ độ ẩm môi trường, loại bỏ các chất độc thường gặp trong không khí trong nhà như formaldehyde và xylene. Khi trồng trong nhà, cây chỉ cần lượng ánh sáng trung bình. Nếu đặt cây lan chi trong bóng râm, những chiếc lá có thể bị nhạt mất dải màu trắng đặc trưng. Nhưng nếu bạn đặt cây dưới ánh nắng trực tiếp, lá có thể dễ dàng bị cháy nắng. Cây có bộ rễ dày tích trữ nước nên chịu hạn tốt, không cần tưới quá thường xuyên. Vào mùa hè, nếu thời tiết quá oi nóng, bạn hãy tăng tần suất tưới nước cho cây.
4. Cẩm chướng không khí
Giống như các loài thực vật biểu sinh khác, cây cẩm chướng không khí không mọc rễ trong đất mà lấy độ ẩm, chất dinh dưỡng từ không khí, mưa, đôi khi từ các mảnh vụn tích tụ xung quanh. Loài này chủ yếu mọc tại những nơi có lượng mưa nhiều trên thế giới, ở độ cao lên đến vài trăm mét so với mực nước biển. Do đặc điểm của môi trường sinh sống, lá cẩm chướng không khí được bao phủ bởi các tế bào chuyên biệt gọi là trichomes có khả năng hấp thụ nhanh nước tích tụ trên chúng. Vẻ đẹp độc đáo của cây cẩm chướng không khí khiến nhiều người yêu thích, trồng làm cảnh trong nhà.
5. Dương xỉ
Dương xỉ cũng là một loại cây cảnh phổ biến trong nhà. Cây thường được trồng trong chậu treo, phát triển mạnh ở những vị trí râm mát, ẩm ướt. Ngoài đặc tính hút ẩm không khí, dương xỉ còn loại bỏ các chất hóa học độc hại nên trồng dương xỉ là một cách tự nhiên giúp làm sạch không khí trong nhà.
6. Bạc hà
Bạc hà có thể phát triển nhanh trong môi trường ẩm ướt nên được trồng trong vườn, nhà bếp, phòng tắm hoặc bất kỳ nơi nào mát mẻ, độ ẩm cao. Cây khá dễ trồng, giữ được vẻ xanh tươi quanh năm, vừa làm cảnh lại có nhiều ứng dụng trong nấu ăn, pha chế đồ uống.
7. Đuôi công
Cây đuôi công có nguồn gốc từ Brazil và Peru. Là một loài thực vật sống trong rừng, cây đòi hỏi môi trường có độ ẩm cao giống với môi trường sống tự nhiên của mình. Khi trồng làm cảnh, nếu được chăm sóc đúng cách trong điều kiện thích hợp, cây đuôi công có thể cao tới gần 1 mét. Cây phát triển khá chậm và sẽ ngừng lại sau khi đạt đến chiều cao tối đa. Cây đuôi công rất thích hợp trồng trong phòng tắm để loại bỏ bớt độ ẩm dư thừa trong không khí.
8. Phong lan
Không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, phong lan là loại cây hút ẩm không khí, giúp môi trường xung quanh thoáng mát hơn. Vì rễ của phong lan không nằm trong đất nên chúng hấp thụ độ ẩm và chất dinh dưỡng từ không khí xung quanh để phát triển. Đặt một chậu phong lan trong phòng tắm là một ý tưởng hay vì cây có thể hấp thụ độ ẩm từ vòi hoa sen.
9. Cau tiểu trâm
Cây câu tiểu trâm cũng là một gợi ý hay để kiểm soát độ ẩm, ngăn ngừa nấm mốc phát triển, đặc biệt là trong phòng tắm. Loại cây này hấp thụ độ ẩm chủ yếu qua lá. Cây có độ cao khá đa dạng, thích hợp trang trí cho nhiều khu vực trong nhà cũng như văn phòng.
10. Thiết mộc lan
Ngoài vẻ đẹp thanh lịch với những bông hoa trắng có mùi thơm dễ chịu, thiết mộc lan được biết đến rộng rãi với khả năng thanh lọc một số hóa chất độc hại trong nhà. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết loại cây cảnh này còn giúp hút ẩm không khí. Vào mùa mưa hay mùa nồm, những căn phòng có sự hiện diện của chậu cây thiết mộc lan sẽ bớt ẩm ướt hơn hẳn các phòng khác trong nhà.
Lan Chi
>> Những loại cây không nên trồng trong nhà dù có đẹp đến mấy
>> Thêm sức sống cho ngôi nhà bằng những chậu cây mọng nước cực xinh yêu