1. Tận dụng không gian trên tường
Giá sách trên tường xung quanh cửa thông từ phòng khách sang phòng ăn giúp bạn chứa được rất nhiều đồ như sách, tạp chí và các đồ lưu niệm. Tường được sử dụng tối đa cho việc lưu trữ khiến cho nhà bạn bớt đi được tủ hoặc kệ chiếm không gian trong phòng khách.
2. Đừng quên trần nhà
Nhà nhỏ đòi hỏi bạn phải thật sự khéo léo, sáng tạo khi bày trí nội thất và lưu trữ đồ dùng, thậm chí có khi có những ý tưởng lập dị. Nhờ chồng treo chiếc xe đạp lên trần nhà nếu không muốn nó chiếm lĩnh diện tích dưới sàn. Hệ thống ròng rọc di chuyển sẽ giúp bạn lấy xe xuống dễ dàng.
3. Tận dụng khoảng trống giữa nhà và các bức ngăn
Nếu bạn muốn phân chia không gian trong căn phòng lớn như phân chia chỗ tiếp khách với khu vực ăn uống thì nên sử dụng kệ để thay cho tường vì tường tạo nên sự bí bích mà lại không trữ đồ được, chiếc kệ ở giữa nhà với những giá để sách và lưu trữ đồ linh tinh khiến nhà thoáng hơn lại gọn gàng và trữ được nhiều đồ hơn.
4. Phân chia các khu vực trên kệ
Không đặt đồ bừa bãi và lung tung trên kệ mà cần phải phân chia rõ ràng khu vực, khu vực đặt sách báo, khu vực đặt đồ lưu niệm… nếu có quá nhiều đồ linh tinh, cần sử dụng các giỏ chứa đồ nhỏ xếp ngay ngắn và có dán nhãn, tiện khi sử dụng.
5. Sử dụng các đồ nội thất đa năng
Đây là một chiêu bắt buộc trong bày trí nhà chật. Nếu bạn muốn có một chiếc tủ đựng đồ ngay lối vào nhà, cạnh cửa đại thì bạn nên kết hợp với một băng ghế để ngồi cởi giày và sửa soạn quần áo trước khi ra khỏi nhà. Ở dưới băng ghế là ngăn chứa đồ như giày dép, ô, mũ, áo mưa… Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được khoảng diện tích mà chiếc ghế xếp chình ình chiếm chỗ.
6. Cất đi những gì không hay sử dụng đến
Bất kì không gian nào cũng có đồ không hay sử dụng đến nhưng vẫn cần thiết không thể bỏ đi được. Bạn nên xếp gọn vào các giỏ mây hoặc giỏ tre để dưới gầm ghế hay gầm giường, giấu chúng đi thì nhà sẽ gọn hơn và sạch sẽ hơn rất nhiều. Cách này tiện khi nhà có em bé, bé cần khoảng không gian sàn nhà để lăn lê bò toài, các giỏ có tác dụng phân loại đồ chơi cho bé, cất đi đồ chơi bé không thích vào một giỏ và các đồ chơi bé thích vào một giỏ.
7. Tận dụng không gian dưới gầm giường
Khi bạn có một khoảng không gian trống dưới gầm giường, đừng bỏ phí mà hãy tận dụng nó để chứa các đồ không cần thiết vào thời điểm này ví dụ như chăn ga mùa đông, quần áo mùa đông… Nên sử dụng những ngăn kéo có bánh xe trượt để dễ dàng lấy ra và cất đi. Sau khi gấp gọn đồ rồi thì bạn phủ một lớp nilon mỏng lên trên để che bụi.
8. Cắt giảm hệ thống giải trí
Nhà chật không cho phép chúng ta thoải mái bày biện nhiều các thiết bị điện tử dàn âm thanh đồ sộ hay đầu đĩa các loại mà chỉ cần chiếc tivi smart thôi. Tivi thông minh làm hộ bạn nhiều thứ, nên mua loại tivi có nhiều chức năng như có thể nghe nhạc từ thẻ nhớ, xem phim trên mạng hay nối mạng được. Tận dụng giá để tivi thì làm luôn giá chứa sách báo, và các đồ lưu niệm.
9. Bỏ đi những nhu cầu không cần thiết
Nếu nhà rộng thì chỗ giá chứa đồ kia sẽ biến thành một khu vực quầy bar trong nhà để thư giãn khi nấu nướng, song nhà chật thì cần tận dụng nó làm nơi chứa đồ, muốn thư giãn hay ngồi chuyện phiếm thì ra bàn ăn nhé!
10. Thích ứng tính linh hoạt của nội thất
Bạn cứ tưởng tượng cách sắp xếp này giống như khi bạn xếp hình khối khi còn nhỏ. Việc lưu trữ và trang trí rất dễ dàng sắp xếp lại khi bạn muốn chúng thay đổi.
11. Ưu tiên các đồ dùng hay sử dụng
Giữ vật dụng hàng ngày cần phải sử dụng bày biện ra ngoài thay vì nằm khuất trong tủ hoặc ngăn kéo. Sử dụng một giá treo cho nồi niêu xoong chảo và một kệ nổi cho các lọ gia vị, nhưng được sắp xếp một cách gọn gàng.
12. Giữ thùng rác giấu kín
Thùng rác là nơi nhiều vi khuẩn nhất, cần có ngăn chứa trong nhà bếp, nên phân loại thùng rác ra làm 2 ngăn, ngăn rác hữu cơ và ngăn giữ các đồ thủy tinh, kim loại và giấy lộn… như vậy nhà sạch sẽ mà gọn gàng hơn, bếp đỡ lộn xộn và chật.