Ngày nay, không ít gia chủ khi làm nhà đề cao sự tuyệt đối hoàn hảo, chỉn chu, tinh tế trong từng ngóc ngách bởi quan niệm "một đời nhà mấy đời người". Tuy nhiên, xét trên khía cạnh phong thủy và văn hóa Đông phương, việc tuyệt đối hóa khi hoàn thiện ngôi nhà đặt ra vài vấn đề cần suy nghĩ thêm:
- Trong tự nhiên không có gì tuyệt đối hoàn hảo. Một cây hoa đẹp cũng chỉ có vài cành nhánh chính là đẹp, còn những chỗ khác thuộc diện "bình thường thôi" nhưng hòa hợp với hình thế chung, nâng đỡ cho các vị trí chủ chốt nổi bật, chứ không thể đẹp... đều như hoa giả được (thực ra hoa giả hiện nay đã làm khá gần với tự nhiên, tức là cũng có lá sâu, lá úa đầy đủ). Do đó, cần xác định vị trí "tốt khoe xấu che" để tập trung hoàn thiện, chọn đúng điểm nhấn trang trí sẽ giúp nội khí ngôi nhà có chính phụ rõ ràng. - Đi vào chi tiết, việc hoàn thiện nên hiểu theo nghĩa kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng ngôi nhà khác với máy móc sản phẩm công nghệ, khó "sản xuất hàng loạt" được mà còn tùy theo gia chủ, mẫu mã, tay nghề thợ... có các đột biến nhất định. Chính điều này tạo ra sự tự nhiên hơn, yếu tố thủ công, chất thô mộc đem lại sự gần gũi (tính Mộc, hợp với nhà ở, resort, hình 1) mà những bề mặt sắc lạnh quá, hoàn hảo quá không thể có được (tính Kim, vốn hợp với không gian văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng). - "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là thể hiện quan niệm sống, cá tính gia chủ có hợp với nhà hay không. Nếu thói quen lâu năm khó sửa của ông chủ là co chân lên ghế "ba xoa hai đập" thì bộ ghế bằng gỗ chắc chắn sẽ ưu điểm hơn sa-lon bọc nệm da, và nội thất sẽ đi theo tương ứng (hình 2). Có những ngôi nhà rất rực rỡ thể hiện qua trang trí lấp đầy mọi khoảng trống, đèn đuốc như sao sa… mới nhìn thì ngỡ chu đáo kỹ lưỡng, nhưng thực tế sử dụng lại hao phí, gây mệt mỏi cho các giác quan khi phải sống trong các không gian "hoành tráng" như vậy.
- Yếu tố tạm thời cũng cần lưu tâm, bởi ngôi nhà hay vạn vật trong vũ trụ không thể vĩnh cửu bất biến, như hình ảnh hoa mai rụng rồi nở mỗi mùa xuân về trong triết lý Đông phương nói lên tính hữu hạn của thời gian và triết lý tuần hoàn. Ngoài những vị trí cố định như bếp nấu, bàn thờ, giường ngủ… thì đa phần các không gian sinh hoạt khác đều có sự thay đổi mỗi ngày. Chỗ để xe, sân phơi, bàn làm việc... bị xáo trộn là điều đương nhiên. Phòng khách không phải hôm nào cũng có khách, phòng sinh hoạt cuối tuần gia chủ hát karaoke vui vẻ khác với ngày thường trầm tư đọc sách, cớ sao phải trang trí cứng nhắc? Ngay cả cảnh quan sân vườn, có đẹp đến mấy cũng sớm nở tối tàn, một bộ bàn ghế linh hoạt di dời vẫn hơn là xây bệ ngồi cố định một chỗ rồi để rêu phong phủ kín theo mưa nắng đổi thay. - Những không gian riêng tư, tùy theo quan niệm sử dụng, có thể chấp nhận bề bộn trong kiểm soát vẫn còn hơn là ngăn nắp mà tẻ nhạt, bởi đó chính là trường khí sống động, ngôi nhà để sống khác với ngôi nhà để... chụp ảnh đăng báo! Kiểu nội thất Zen của Nhật Bản trông tối giản tinh tế nhưng đó là sự lược bớt chi tiết rườm rà, khiêm tốn chứ không phải cố tình làm kiểu nhà đó. Và về cấu trúc thì nhà của họ hoàn toàn theo chủ nghĩa tương đối, rất nhẹ nhàng nhưng quan trọng hơn là tính tiết kiệm giản dị, không phô trương, hòa vào thiên nhiên, những điều tương đồng với nếp nhà truyền thống Việt (hình 3).
Như vậy, xây một ngôi nhà tuyệt đối đến đâu cũng chỉ như... tổ chức đám cưới, cuộc sống hôn nhân thế nào mới thực sự tạo nên một mái ấm. Ngôi nhà tương đối chính là ngôi nhà biết chọn quá trình sử dụng, bảo dưỡng, thay đổi khi đi vào sử dụng làm mục tiêu quyết định hình thành và phát triển một chốn an cư.
KTS Hà Anh Tuấn
(Theo Thanh Niên tuần san)