Trong 11 tháng của năm nay, xuất khẩu xi măng, clinker của nước ta mới đạt xấp xỉ 15 triệu tấn, sản lượng giảm gần 27%. Xi măng xuất khẩu Trung Quốc chính là đối thủ lớn nhất của xi măng Việt Nam. Xi măng xuất khẩu nước này có tổng sản lượng lên đến 2,5 tỷ tấn, chiếm 60% sản lượng xi măng toàn thế giời, giá chào xuất khẩu rẻ hơn từ 3-4 USD/tấn, lại nằm ngay sát Việt Nam, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh để giữ khách hàng.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) là doanh nghiệp nắm giữ 35% thị phần xi măng nội địa với lợi thế về thị trường tiêu thụ trong nước, thương hiệu được định vị đối với những đối tác nhập khẩu song cũng không thể cán đích mục tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết, với tình hình thị trường xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt về giá như thời gian vừa qua, năm nay, Vicem cố gắng lắm cũng chỉ hoàn thành được khoảng 60% mục tiêu đặt ra.
Sau 10 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu của Vicem mới chỉ đạt 1,6 triệu tấn, gồm 930.000 tấn clinker và 690.000 tấn xi măng. Tại thời điểm ngày 31/10/2015, tổng sản phẩm tồn kho của Vicem là 2 triệu tấn. Trong đó, tồn kho 1,7 triệu tấn clinker, tương đương với 33 ngày sản xuất.
Xuất khẩu xi măng năm nay khó đạt 20 triệu tấn như mục tiêu đề ra |
Nếu nhìn lại kết quả của năm 2014, sự sụt giảm của Vicem càng thấy rõ hơn. Khi đó, tổng sản phẩm xuất khẩu của Vicem đạt gần 3,5 triệu tấn, trong đó, xi măng khoảng 1,1 triệu tấn, số còn lại là clinker, tăng 1,2 triệu tấn so với năm 2013. Trong năm 2015, mục tiêu của Vicem là duy trì sản lượng xuất khẩu bằng với năm ngoái. Song, diễn biến trên thị trường năm 2015 khiến mục tiêu này trở thành xa vời.
Ông Khải nói thêm, với lợi thế về đối tác, bạn hàng, Vicem sẵn sàng đạt được sản lượng xuất khẩu nếu hạ giá bán theo đề nghị của đối tác nhưng làm vậy, sẽ ảnh hưởng chung tới cả ngành, tạo cớ để đối tác ép hạ giá bán với các doanh nghiệp khác nên doanh nghiệp quyết không xuất khẩu bằng mọi giá.
Tương tự, một doanh nghiệp cũng có tiềm lực về xuất khẩu xi măng, clinker là The Vissai cho hay, xuất khẩu xi măng năm 2015 rất khó có thể đạt được kết quả khả quan như năm 2014.
The Vissai hiện là một trong số ít doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp, thu về nhiều lợi nhuận, còn đại đa số những doanh nghiệp khác vẫn xem xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế để điều tiết lượng hàng hóa.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Vicem và Vissai là hai doanh nghiệp xuất khẩu tiềm năng nhất, tức là có khả năng tiếp cận, nghiên cứu thị trường, điều tiết cung cầu hiệu quả mà vẫn gặp khó khăn. Qua đó đủ thấy các doanh nghiệp chưa có thâm niên trong xuất khẩu thì sẽ khó khăn gấp bội.
Trường hợp của Công ty CP Xi măng Thăng Long có thể xem là ngoại lệ trong ngành xi măng bởi đầu năm đến nay, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định sang các thị trường trong khu vực.
Song, sự ổn định của Xi măng Thăng Long cũng có các nguyên nhân rất riêng. Đầu tiên, Xi măng Thăng Long có sản lượng không lớn, chỉ khoảng 2,3 triệu tấn/năm nên áp lực hoàn thành nhiệm vụ tiêu thụ thông qua kênh xuất khẩu không lớn nếu so với The Vissai (sản lượng khoảng 7 triệu tấn) và Vicem (sản lượng trên 20 triệu tấn).
Hơn nữa, thuận lợi lớn của Xi măng Thăng Long là có cổ đông chiến lược, đó là Tập đoàn Semen Indonesia hậu thuẫn mạnh mẽ về thị trường xuất khẩu. Đại diện Semen Indonesia khẳng định rằng, thị trường xuất khẩu sẽ vẫn được duy trì giúp công suất dư thừa có thể tiêu thụ. Trong đó, các quốc gia hiện nay là thị trường xuất khẩu của Xi măng Thăng Long như: Peru, Bangladesh, Campuchia, Srilanka, Indonesia và mới đây nhất là 2 thị trường Philippine và Singapore đã tiếp nhận sản phẩm xi măng Thăng Long.
Năm ngoái, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt được 71 triệu tấn, trong đó có hơn 20 triệu tấn xuất khẩu. Năm nay, dự báo tiêu thụ xi măng từ 74-75 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 20-21 triệu tấn. Những doanh nghiệp trong ngành xi măng vẫn đẩy mạnh công tác xuất khẩu song thực tế xuất khẩu 11 tháng qua giảm mạnh đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thời gian chỉ còn chưa tới 1 tháng. Chắc chắn rằng dù nỗ lực đến đâu, khó có “phép màu” nào để ngành xi măng cán đích xuất khẩu 20 triệu tấn năm 2015.