(Bình An)
Kiến trúc sư Hà Thành tư vấn như sau:
Kính cường lực và kính dán là 2 loại kính rất phổ biến hiện nay được dùng trong xây dựng công trình. Về tính năng, kính cường lực có khả năng chịu lực cao, thường được sử dụng ở những nơi mà tấm kính phải chịu lực trực tiếp, sử dụng với các hệ phụ kiện kim khí, như cánh kính không khung; cabin buồng tắm đứng; hay ở các sàn kính cần chịu lực, mặt bậc cầu thang. Trong khi đó, kính dán thường được dùng ở những nơi không cần chịu lực, có khung, nẹp, đố như kính trong cánh cửa (có khung), lan can có hệ định vị, vách kính cố định.
Nên sử dụng kính cường lực hay kính dán để lợp mái nhà? |
Về nguyên tắc, kính làm mái phải sử dụng kính an toàn để trong trường hợp kính bị vỡ sẽ không (hoặc giảm thiểu khả năng) gây nguy hiểm cho người sử dụng, sinh hoạt. Kính cường lực và kính dán đều được xếp vào loại kính an toàn. Kính cường lực (tempered glass) khi vỡ sẽ bị phá huỷ thành những mảnh vụn nhỏ, không sắc cạnh, giảm khả năng gây sát thương. Còn kính dán (laminated glass) khi bị vỡ tấm kính vẫn định hình bởi lớp phim PVB, giống như có màng keo dán ở giữa, trông sẽ như những vết nứt.
Tùy thuộc vào hệ kết cấu khung mái mà gia chủ có thể chọn loại kính phù hợp. Nếu như mái sử dụng những tấm kính lớn, thì nên sử dụng kính cường lực, vì có độ cứng cao, có khả năng chịu tải bản thân tốt hơn; còn đối với khung mái cho phép chia thành nhiều tấm nhỏ, thì có thể sử dụng kính dán.
Song cũng cần lưu ý là mái thì sẽ chịu nhiều tác động thời tiết, nhất là sự thay đổi nhiệt độ. Kính dán 2 lớp (hoặc nhiều hơn 2 lớp) có màng keo ở giữa, màng này có thể bị lão hoá bởi những tác động của thời tiết, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và hệ số an toàn. Hơn nữa, kính cường lực thành phẩm sẽ không thể gia công (cắt, khoan, mài), nên nếu thay đổi kết cấu hay kiểu dáng khung mái thì sẽ khó tận dụng lại được; ngược lại kính dán thì có thể gia công như kính thông thường.
Trên thị trường hiện nay, kính dán 8.38mm và kính cường lực 8mm (dán 1 tấm 3mm và 1 tấm 5mm) có giá tương đương nhau, khoảng 550.000 - 650.000 đồng/m2 tuỳ phôi kính và đơn vị sản xuất.