Dưới đây là trao đổi cụ thể của GS. Đặng Hùng Võ về một số vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay.
- Ông có thể nêu quan điểm của mình về báo cáo tồn kho bất động sản 2014 của Bộ Xây dựng công bố đã giảm được hơn 40% so với quý I/2013?
Cách tính hàng tồn kho bất động sản của Bộ Xây dựng chủ yếu ở những dự án chuyển đổi công năng. Trong số hàng tồn kho này, đất nền chiếm tỷ trọng khá cao, tức là giá trị đất, họ có thể chuyển mục đích nên sẽ thành dự án khác, không phải dự án nhà ở. Nếu nói giảm tồn kho bằng giải quyết nợ xấu thì thực tế chưa giảm được nhiều. Vừa qua VAMC chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại là chính, chưa giải quyết nợ xấu gắn với bất động sản.
GS. Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường
- Theo ông bất động sản 2015 sẽ đối mặt với những tắc nghẽn nào?
Tồn kho bất động sản còn khá lớn gắn với nợ xấu như cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế, đây là vấn đề mà chúng ta còn phải tiếp tục giải quyết. Nhiều dự án bất động sản còn tồn đọng do không đủ tiêu chuẩn để ở mặc dù giá có thể cao, hạng sang nhưng không đủ điều kiện hạ tầng. Tôi cho rằng lúc này cần quên một số dự án tồn kho đi và thay vào đó đầu tư vào những dự án có khả năng bán được để lấy lợi đó bù lại mất mát dự án tồn kho và hi vọng sắp tới quy hoạch tốt hơn sẽ là giải pháp cho các dự án tồn kho.
- Ông vừa nói đến vấn đề nợ xấu do tồn kho bất động sản giống như cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế. Nợ xấu của bất động sản cao như vậy thì có phải các ngân hàng vẫn sa lầy vào lĩnh vực này, thưa ông?
Nợ xấu trong bất động sản không chỉ của riêng ngân hàng mà còn nhiều đối tượng khác, trong đó có phần khá lớn là góp vốn của người mua nhà thông qua mua nhà trên giấy, của nhà đầu tư thứ cấp, của ngân hàng đầu tư trực tiếp và có phần ngân hàng cho vay thông qua thế chấp. Hơn nữa, vốn tồn đọng gắn với nợ xấu ở phía Bắc chỉ khoảng 3-4%, nên đừng nhìn vào số bất động sản đó mà lo lắng, một phần rất lớn đã gắn với tín dụng đen và đã vỡ rồi.
Chúng ta phải thấy kho bất động sản gắn với lượng vốn phức tạp, nhưng rất khó gây đổ bể hay phá giá thị trường và sẽ không gây tê liệt cho dòng tài chính.
- Ngân hàng giờ đây đã đầu tư trực tiếp vào dự án bất động sản chứ không chỉ cho vay thế chấp. Cụ thể, một số ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn trực tiếp cho các dự án BĐS. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?
Theo tôi cách làm này của các ngân hàng là thiếu chuyên nghiệp, đáng ra ngân hàng chỉ được cho vay thế chấp, không được đầu tư trực tiếp nhưng hiện nay ngân hàng vừa cho vay vừa đầu tư trực tiếp. Chắc chắn lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp cao hơn cho vay.
Nhiều nước trên thế giới đã hạn chế việc đầu tư trực tiếp của ngân hàng vào bất động sản để giữ cân đối nguồn cung cầu bất động sản so với các lĩnh vực khác, thường chỉ khoảng 30% là hợp lý. Còn ơ Việt Nam vấn đề này vẫn bị thả lỏng.
Theo tôi trong thời gian tới nhà nước nên siết lại và quản lý để dành nguồn tiền đó đầu tư sang lĩnh vực, nền kinh tế phát triển đồng đều hơn.
- Xin cám ơn ông!