Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 1-11, ông Cường đưa ra dẫn chứng là hiện sản lượng thép bình quân đầu người của Việt Nam mới ở khoảng 130 kg thép/người và phải tăng lên 200-300 kg thép/người nếu Việt Nam muốn trở thành nước công nghiệp.
Theo ông Cường, những khó khăn của doanh nghiệp thép hiện nay chịu tác động bởi chính sách chung của kìm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công… Tuy nhiên, những ảnh hưởng đến ngành thép cũng chỉ là tạm thời.
Việc đóng cửa một số doanh nghiệp thép thời gian qua, theo ông Cường, một phần cũng do các doanh nghiệp làm ăn manh mún, đầu tư không bài bản dẫn đến chuyện dư thừa công suất, phá sản. Ông Cường nhận định điều nay cũng giúp ngành thép tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững hơn.
Ông Cường nói, để ngành thép phát triển bền vững, tránh lặp lại tình trạng sản xuất ách tắc khi thị trường có biến động, doanh nghiệp nên tiếp tục xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu. Bằng chứng cho thấy những khó khăn của ngành thép trong thời gian qua được giảm bớt một phần là nhờ vào việc đẩy mạnh lượng xuất khẩu.
Trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thép đã xuất khẩu xấp xỉ 1,3 triệu tấn, chủ yếu là các loại thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội, tôn mạ kẽm, tôn mạ màu, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với kim ngạch 1,3 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2010. Hiện Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án điều chỉnh “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng thép giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2025”. Ông Cường cho biết mục tiêu trong điều chỉnh quy hoạch lần này là nhằm tập trung hướng đầu tư vào sản xuất các loại thép thiếu nhiều, chưa sản xuất trong nước như thép cuộn cán nóng, thép chế tạo cơ khí, thép hợp kim để giảm bớt nhập khẩu, tránh đầu tư tràn lan. |
(Theo TBKTSG)