Chị đã sống trong nhiều ngôi nhà, nhưng dường như đây là ngôi nhà thể hiện một nghệ thuật gắn kết và yêu thương?
Ở đây, mỗi ngọn đèn treo, mỗi bức tranh nhỏ đều thân thương… Tôi yêu thiên nhiên, màu xanh của lá, và ánh sáng. Chọn một biệt thự nằm trong khu Phú Mỹ Hưng, để gia đình được tận hưởng những dịch vụ tốt cho sức khoẻ như những con đường tĩnh lặng, hồ bơi, không khí trong lành… nhưng tôi đã phải thiết kế lại theo ý mình. Tôi thích nhất là một cái bếp mở, ở đó bạn bè con cái đều có thể thưởng thức hương vị của từng món ăn tôi nấu, trò chuyện với nhau về công việc hàng ngày, và hưởng hết cái ấm nóng ngọt ngào của những buổi chiều đoàn tụ quây quần. Không khí đó không thể tự nhiên mà có. Mình phải tạo ra hoàn cảnh, tạo ra nếp sinh hoạt, và biến nó thành tự nhiên. Tôi làm bếp, làm vườn luôn.
Màu sắc, cách thiết kế, bày biện lãng mạn cổ điển rất Pháp, giống như con người chị?
Tôi không định nghĩa phong cách gì, vì tôi không làm theo mẫu, mà chỉ thấy nó đáng yêu với chính mình thôi. Tất cả chất liệu của ngôi nhà chỉ là để phục vụ nhu cầu, công năng sử dụng của mình, không cần hàng hiệu. Tầng hai là những góc nhỏ riêng tư dành cho mỗi thành viên trong một “đại gia đình”, có ông bà, con cháu, dâu rể… với góc nhìn hướng ra bên ngoài, để cây cối xanh mát tràn ngập làm tâm hồn dịu lại. Tôi yêu thích cái đẹp, tranh trong nhà chỉ toàn là hoa và thiếu nữ. Đặc biệt duy nhất một bức hình của tôi, mà tác giả chính là chồng tôi, người đã khắc hoạ được tôi rõ nhất trong ánh nắng lung linh.
Nằm ở góc phố, ngôi nhà của chị có vẻ hơi râm mát, làm thế nào để chị tạo dựng được một vườn cây lúc nào cũng non xanh? Vì sao chị lại chọn cây bồ đề trên sân thượng?
Tôi có một khu vườn ở An Phú Đông, quận 12 đó là nơi tôi ươm mầm các giống cây để mang về đây trồng. Chính vì ngôi nhà hơi râm mát nên tôi phải chọn những loại cây dễ trồng, tuổi thọ cao, không cần chăm bón nhiều, đó là các loại cau, cau phượng hoàng, cau vua, cau đỏ… và cây đế vương.
Phòng khách và phòng ăn, những không gian mở để đón ánh sáng. |
Tôi thích cái dáng vẻ cao vút thanh thoát của cau, rất phương Đông. Cây đế vương có ưu thế luôn ra mầm mới, lá to, phù hợp với mọi thời tiết. Còn cây bồ đề toả bóng trên sân thượng là nơi tôi và nhà tôi yêu thích nhất mỗi buổi sớm. Nó cho chúng tôi một cảm giác thật tĩnh lặng và thanh khiết bên ly càphê, để bắt đầu một ngày mới. Tôi đang trồng thêm cây bồ đề lá nhọn, món quà của một người bạn mang về từ Ấn Độ, quê hương của Phật.
Xuất thân trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, học nhạc từ nhỏ, tham gia tích cực các hoạt động xã hội… vì sao khi lấy chồng, chị chấp nhận mọi hy sinh?
Tôi không thấy đó là sự hy sinh, mà là hạnh phúc. Nhiều khi mọi người quên hẳn cả tên tôi, chỉ gọi tôi theo tên chồng, tôi thích như vậy. Tôi nhớ ơn ba má đã cho tôi được hưởng một nền giáo dục tiến bộ, tự do, thông thoáng, để tôi có thể dạy con một cách tốt nhất, giúp con hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, có một đời sống tinh thần phong phú, thể chất mạnh mẽ, biết quan tâm tới cộng đồng xã hội.
Các cháu sau khi du học nước ngoài đều trở về Việt Nam và sống gần cha mẹ. Điều đó quả thật không dễ, phải tạo dựng một mái ấm thực sự cho các con. Sáng xách giỏ ra chợ, tôi chỉ nghĩ hôm nay phải làm món gì ngon, lành, bổ dưỡng nhất cho chồng, cho con, cho cháu ăn.
Chồng và con thích nhất món gì chị nấu?
Có lẽ quen gu rồi, nên món gì tôi nấu chồng con cũng thấy ngon. Con tôi thường nói “ăn cơm ở nhà là ngon nhất”. Nhà tôi ăn uống thanh đạm, chế biến đơn giản. Lĩnh vực chuyên môn của tôi là… bếp núc (cười hạnh phúc)… Nếp sống gia đình là do bàn tay người đàn bà tạo ra.
Chồng chị là một người được nhiều người biết, làm thế nào để chị có thể là người bạn đời của anh ấy trong nhiều lĩnh vực, để chồng có thể hãnh diện về vợ?
Để có thể hoà hợp mà không đánh mất mình, cũng phải tôi luyện bằng mọi hình thức, làm đẹp đầu óc, làm đẹp kiến thức, phong cách… để anh đi năm châu bốn biển cũng mang vợ theo. Người ta thường nói “phía sau người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có một người phụ nữ”. Nhưng chúng tôi không ai đằng sau, cũng không ai đằng trước, mà song hành, hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Ý thức mỗi người có một cá tính, phải biết dẹp bỏ cái tôi của mình, nghĩ đến người khác mới tạo dựng hành phúc lâu dài. Các con tôi không theo nghề cha, phát triển độc lập. Đến tuổi này chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau không biết chán về bạn bè, công việc, những thú vui… Bạn bè anh cũng là bạn bè tôi, luôn thấy gần gũi, chia sẻ…
Một con người trân trọng mọi kỷ niệm như chị sống có khó khăn không, khi xã hội đang trượt dài bởi những giá trị ảo?
Bạn bè đều đùa ngôi nhà tôi là một “viện bảo tàng”, tôi gìn giữ rất cẩn thận từng chiếc giày thuở nhỏ của con, tùng món đồ chơi, từng xâu chuỗi… mỗi vật dụng đều có lịch sử của nó, chứa đựng những ân tình. Trong nhà có rất nhiều những hộc tủ nhỏ để cất giữ… quá khứ.
Trong nhà chỉ cần có sự cố nhỏ hoặc một người đau ốm là tâm ai cũng không yên. Cuộc đời bao giờ cũng có mặt sáng, mặt tối, hiểu như thế để biết vượt qua những bất trắc. Hạnh phúc là do mình tạo ra, phải gìn giữ, duy trì, tôn tạo, vun vén nó mỗi ngày. Mình cũng phải giữ mình, phải sống tốt để con cháu noi theo. Sống là cả một nghệ thuật.
Đến tuổi này, trải qua bao biến cố của cuộc sống mình mới chiêm nghiệm được về con người, suy tư về cuộc đời, về sự sống, cái chết… Suy nghiệm và chuẩn bị về cái chết để khi mình có ra đi, người thân của mình bớt đi sự đau buồn và bối rối… Suy nghiệm lại chính mình, tôi quý trọng nhất sự bình yên. Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên là cảm ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia đình và mọi người thân quen được an lành.
Những góc nhỏ đầy nữ tính của chủ nhân. |
Bếp và phòng tắm, những không gian mở để đón ánh sáng. |
Hàng cau cao vút và cây bồ đề mang lại cảm giác tĩnh lặng và thanh khiết. |
Chân dung trên tường: bà Trần Kim Liên, một kỷ niệm trên đồi Montmartre, Pháp. |
(Theo Sài Gòn tiếp thị)