Hình 1 (trái) - Hình 2 (trên bên phải) - Hình 3 (dưới bên phải) |
Trong sân vườn có bố trí nhiều cây cối nên tất nhiên chúng đều thuộc hành Mộc, nhưng do màu sắc và hình dáng khác nhau, chúng còn có thể mang thêm nhiều hành khác nữa, vì thế cần phân biệt và phối hợp tốt các hành với nhau. Những loại cây có lá nhọn và màu đỏ (hoa, lá, trái) đều thuộc hành Hỏa và làm điểm nhấn nổi bật, tạo sự thu hút và ấm áp, tăng Dương tính cho khoảng sân đó. Vì thế, nếu gia chủ hợp với hành Hỏa, nên đưa các yếu tố này vào khoảng sân, đồng thời tạo một số vùng nền để hành hỏa nổi bật, ví dụ như bố trí mảng tường đá trắng hoặc vàng (Kim, Thổ), kết hợp mặt nước (Thủy) để giảm bớt tính hỏa nếu vượng quá. Các chất liệu xây dựng và hoàn thiện bề mặt sân vườn như sỏi cuội, đá, tấm đan bê tông, gạch lát đều có màu thuộc về hành Thổ và cần đảm bảo tính chân thực của vật liệu để hành Thổ phát huy tác dụng trung hòa Trường Khí cho khoảng sân đó (hình 1).
Nếu có điều kiện thì nên giữ những khoảng trống có sỏi đá hoặc bề mặt đất trồng cỏ phẳng, thay vì trồng cây quá nhiều, vì chúng làm yếu tố Thổ được trải rộng và không bị chèn ép bởi nhiều thành phần trang trí qua mức. Vườn trong nhà ở khác với vườn trồng cây theo kiểu canh tác hay vườn kiểng. Màu vàng và nâu, màu của đất đá là những gam màu chủ đạo dễ dàng tạo nên một khoảng sân vườn dung hòa Ngũ hành thông qua hành Thổ làm nền tảng. Trong khi đó, hành Kim vốn khắc Mộc xem ra có vẻ ít được ưa chuộng trong bảng màu sắc của sân vườn, nhưng không có nghĩa là thiếu vắng. Những mảng tường trắng, những bộ khung - dàn leo bằng kim loại, thậm chí bàn ghế màu trắng (hình 2) sẽ bổ sung yếu tố Kim cho một khu vườn quá rậm rạp, làm sáng sủa không gian vốn thiên về Âm do nhiều bóng râm, và tạo nên những bề mặt bắt sáng tốt hơn là vật dụng sậm màu.
Hình 4 |
Hành Thủy (thông qua mặt nước) trong khu vườn Đông phương luôn là một yếu tố gắn liền với cây xanh (Thủy sinh Mộc). Xét về màu sắc, những mảng cây hoặc đá có màu xanh biển, màu đen, vật dụng gỗ hoặc gốm sơn đen đều rất dễ dàng bố trí xen lẫn trong vườn và tạo nên yếu tố Thủy (hình 3). Dùng Thủy đi đôi với Mộc giúp khoảng sân hài hòa và phát huy tốt vai trò hỗ trợ, nuôi dưỡng Sinh Khí của toàn nhà (hình 4).
Bài: KTS Hà Anh Tuấn / Ảnh: Nguyễn Hưng
Theo Thanh nien Online