Trong quý II/2016, Savills Việt Nam đưa ra nhận định về phân khúc thị trường văn phòng cho thuê có phần tươi sáng hơn. Tính trong quý II, một dự án văn phòng cho thuê mới gia nhập thị trường đã cung cấp khoảng 18.000 m².
So với quý I, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình tại tất cả các hạng đều tăng. Giá thuê hạng A và B đều tăng 0,6% theo quý; hạng C tăng mạnh, 3,7% theo quý. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hạng A giữ nguyên so với quý trước, hạng B tăng 3,1 điểm %, hạng C tăng 0,9 điểm %. Giá thuê và tỷ lệ lấp đấy trung bình của văn phòng hạng A ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm đều ổn định so với quý trước. Như vậy, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội tăng 1,4% theo quý và 9,4% theo năm.
Nguồn cung lớn dẫn đến nguy cơ "bội thực" văn phòng cho thuê. Ảnh minh họa
Sang đến quý III, tình hình đã không được như kỳ vọng, khi đà tăng trưởng nói trên đang chậm lại. Thị trường đang ghi nhận nhiều dự án tòa nhà văn phòng mới triển khai đã rơi vào cảnh “đắp chiếu”, hoặc có triển khai cũng bị chậm tiến độ. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn phải trì hoãn việc hoàn thiện.
Chẳng hạn, dự án Tòa nhà văn phòng 198B Tây Sơn là một dự án có quy mô 21 tầng, ở phân khúc tòa nhà văn phòng hạng A, do Công ty Liên doanh Đầu tư tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư và được triển khai từ năm 2009. Với tiến độ thi công rất chậm, nên tới năm 2014, dự án mới hoàn thiện phần thô. Ngoài ra, còn có hàng loạt tháp văn phòng của các tổng công ty như HUD, Hadinco, Sông Đà... cũng bỏ không.
Bên cạnh đó, giá thuê cũng đã giảm từ 10 - 20% tùy thuộc vào phân khúc và khu vực. Khu vực trung tâm đã dần đạt được mục tiêu lấp đầy, duy trì sự ổn định và thu hút những khách hàng thuê tên tuổi, dài hạn.
Thực tế, thị trường văn phòng Hà Nội đang có sự dịch chuyển của các công ty cùng ngành nghề. Dựa trên các giao dịch của CBRE nói riêng và thị trường nói chung trong quý II và III cho thấy, nhiều công ty, tổ chức cùng ngành nghề có xu hướng chuyển văn phòng đến cùng khu vực.
Điều này thể hiện rõ nhất là việc các công ty, hãng dược phẩm chuyển văn phòng của họ vào khu vực giữa trung tâm như quận Đống Đa và Ba Đình. Khu vực này đang được coi là tâm điểm của các khách hàng thuê sành sỏi bởi họ có thể chọn được những tòa nhà hạng A và B với chất lượng tốt, mức giá thuê hợp lý. Đồng thời, khu vực này có nhiều tòa nhà mới, chất lượng nhà tốt, tính cạnh tranh cao nên giá thuê của khu vực này thường thấp hơn khu trung tâm và cao hơn khu phía Tây đến 20% cho cả hạng A và B. Vì vậy, dễ thu hút khách thuê và dần dần sẽ trở thành khu trung chuyển của toàn thị trường Hà Nội.
Khu vực trung tâm vẫn là lựa chọn của các khách thuê là ngân hàng, quỹ đầu tư, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực luật, tư vấn và công ty nước ngoài mới vào thị trường Hà Nội. Các công ty trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, vận chuyển lại ưu tiên khu vực phía Tây.
Trong khi đó, khu vực phía Tây vẫn là sự lựa chọn của các công ty sử dụng diện tích thuê lớn hoặc những doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, tạo nên một cộng đồng và tính cạnh tranh riêng. Giá thuê của khu vực này đang duy trì và chủ đầu tư phải nhanh chóng lấp đầy tòa nhà của họ trước khi những tòa nhà mới hoàn thiện.
Savills Việt Nam dự báo, thị trường văn phòng cho thuê sẽ còn tiếp tục khó khăn khi có nhiều dự án tòa nhà văn phòng đang triển khai hoặc đang trong quá trình hoàn thiện. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các chủ đầu tư khi phải chủ động điều chỉnh tiến độ để không tạo thêm áp lực cho cân bằng cung cầu.