Trong quá trình tồn tại của không gian truyền thống xưa, sự ổn định tương đối của hình thái cấu trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ đã tạo ra các không gian truyền thống được kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà đặc trưng nhất là không gian chính – nơi bố trí ban thờ tổ tiên, không gian hiên và không gian sân. Từ những năm 1990 trở lại đây, những thay đổi về chính trị xã hội và điều kiện kinh tế, công nghệ sản xuất vật liệu… đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ của hình thức và cấu trúc nhà ở nông thôn. Những ngôi nhà ở dân gian truyền thống 5 gian hay 3 gian 2 chái dần trở thành của hiếm và được thay thế bởi những nếp nhà mới, có phần xa lạ với bối cảnh. Bên cạnh những ngôi nhà 1 tầng được làm theo hình thức cũ nhưng có cấu trúc và vật liệu mới là các kiểu biệt thự có chiều cao 2 đến 3 tầng đa dạng về kiểu cách, màu sắc, vật liệu. Kiểu nhà lô phố mà trước đây chỉ thấy tại các đô thị đã xuất hiện và không còn hiếm gặp trên các tuyến đường ven làng. Tất cả tạo nên một bức tranh nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ hỗn độn, thiếu đồng nhất.
Lấy cảm hứng từ ngôi nhà 5 gian truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, đội ngũ kiến trúc sư Nguyen Khac Phuoc Architects đã tạo nên một căn nhà 5 gian đương đại, đan xen hài hoà giữa truyền thống và hiện đại trên mảnh đất Thái Nguyên. Theo đội ngũ kiến trúc sư, không có một cấu trúc nông thôn nào có thể trường tồn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, nhưng vận động và phát triển theo hướng nào mà vẫn gìn giữ được tinh thần và tinh hoa truyền thống, để nhận diện được bản sắc của nông thôn Việt Nam là mục tiêu mà họ luôn hướng đến. Bằng việc vận dụng những nguyên tắc tổ chức không gian truyền thống và tái hiện các không gian truyền thống đặc trưng vào trong kiến trúc nhà ở nông thôn, ngôi nhà là một mô hình tiếp nối tinh thần bản địa, ngôn ngữ, bản sắc và tiện nghi với xu hướng thời đại ngày nay.
Toạ lạc tại huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), công trình có diện tích xây dựng 170m2 lấy cảm hứng từ ngôi nhà 5 gian truyền thống của vùng Bắc bộ xưa.
Ngôi nhà được thiết kế cho đôi vợ chồng trẻ cùng 2 người con trai và người mẹ.
Từ cấu trúc ngôi nhà 5 gian truyền thống, ngôi nhà lấy gian trung tâm chính làm nơi thờ cúng tổ tiên. Đây chính là nơi con cháu hướng về cội nguồn và được quây quần sum họp.
Kết nối liên thông gồm không gian bếp nấu và tiếp khách thành một không gian chung lớn.
Không gian riêng được bố trí 2 gian ngoài cùng của ngôi nhà cho 4 phòng ngủ.
Có 3 khoảng hiên gồm 1 khoảng hiên chính giữa làm không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài và là nơi có thể nghỉ ngơi hóng mát, quây quần, giao lưu, 2 khoảng hiên riêng tư 2 bên dành cho không gian ngủ của gia đình.
Mảng xanh tạo bóng mát cho ngôi nhà và là nơi vui chơi của con trẻ.
Một không gian không thể thiếu đấy chính là khoảng sân lớn trước nhà, nơi người mẹ phơi lúa vào mỗi mùa vụ, nơi con cháu quây quần bên mâm cỗ mỗi lần giỗ chạp, tiệc tùng.
Hệ mái ngói đỏ truyền thống cân đối được sử dụng làm ngôn ngữ chính cho ngôi nhà.
Nguyễn Phượng
>> Nhà cấp 4 đẹp xuất sắc dù không thuê thiết kế của vợ chồng 9X gây bão trên hội "Nghiện nhà"
>> Từ ngôi nhà toàn đường cong của chàng giám đốc sáng tạo đến kinh nghiệm thực tiễn cho người sắp xây nhà