Từ xưa, người dân ở khu vực này có thói quen dùng nước mưa để sinh hoạt. Đến nay, hình ảnh những bể nước mưa ở góc sân và chiếc máng thu nước từ mái nhà vẫn còn hiện diện trong những ngôi nhà truyền thống quanh đó. Hệ thống nước máy bắt đầu được cung cấp nhưng chưa ổn định và chưa đảm bảo vệ sinh. Mong muốn của gia chủ là tận dụng tối đa nước mưa thu được để kết hợp cùng hệ thống nước máy tạo nên nguồn nước sinh hoạt ổn định cho gia đình.
Xuất phát từ nguyện vọng đó, thiết kế nhà cần tính đến hệ thống thu trữ nước, đồng thời tối ưu các nguồn năng lượng có sẵn như gió trời, ánh sáng tự nhiên vào nhà.
Kiến trúc sư thiết kế mái nhà giật cấp, phần chân mái khớp nối với máng thu nước mưa. Kiểu hình mái như vậy cũng tạo thành các cửa sổ lớn để lấy ánh sáng và gió trời, giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng điện sử dụng cho chiếu sáng và làm mát. Bể nước mưa và hệ thống đường ống thu nước để lộ trong nhà, gợi nhớ về cảnh quan góc sân dưới hiên nhà ở vùng nông thôn lân cận.
Ngôi nhà sử dụng hệ mái dốc giật cấp và mặt tiền hai lớp để thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.
Lớp tường rỗng cho phép gió và ánh sáng tự nhiên dễ dàng luân chuyển vào bên trong nhà.
Cầu thang trung tâm kết nối các tầng cho phép mọi người nhìn thấy mái nhà và cảnh quan bên ngoài. Những người sống trong nhà sẽ được tận hưởng cảnh quan bên ngoài qua khung cửa sổ hay nghe tiếng mưa rơi lộp độp vào những ngày mưa.
Hệ thống thu trữ nước mưa và hệ thống cấp nước đô thị được tích hợp với nhau cho phép gia đình lựa chọn sử dụng tùy theo lượng mưa. Nước mưa được làm sạch bằng bộ lọc theo phương pháp lọc truyền thống trước khi chảy vào bên trong bể. Tổng cộng 3 bể chứa có thể thu trữ tối đa được 32m3 nước mưa. Theo chủ nhà, từ tháng tư đến tháng mười, gia đình không cần dùng tới nguồn nước đô thị và trong những tháng còn lại, lượng nước mưa đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng.
Bể lọc nước được đặt ngay cạnh bếp và phòng ăn, trở thành tâm điểm của khu vực này.
Đứng từ tầng 1 vẫn có thể nhìn thấy bể lọc nước ở tầng trệt.
Phòng thờ được bố trí ở tầng cao nhất, yên tĩnh và trong lành.
Do ngân sách hạn hẹp, các kiến trúc sư quyết định sử dụng những vật liệu địa phương như gạch đất nung và tre đan. Giải pháp này còn đưa nhịp sống của gia đình gần gũi hơn với thiên nhiên và gợi lại cảm giác sống trong những ngôi làng Việt gần đó.
Nhà hướng Tây Bắc phải hứng nắng vào mùa hè và đón gió lạnh vào mùa đông. Thiết kế mặt tiền hai lớp với lớp gạch bê tông đúc bên ngoài và cửa kính có thể đóng mở bên trong giúp cản nắng và điều chỉnh lượng gió vào nhà.
Chủ nhà vốn là giáo viên nên cần có một phòng dạy học thoáng sáng trong nhà.
Không gian giếng trời trong nhà. Mọi người sẽ cảm nhận được các yếu tố tự nhiên như nắng, gió, mưa dù ở bất cứ đâu trong nhà. |
Bể nước lộ thiên trên tầng 4 gợi nhớ về hình ảnh bể nước mưa ở dưới hiên nhà ở vùng nông thôn.
Phòng ngủ sáng sủa và thông thoáng nhờ mặt tiền hai lớp.
Mặt bằng các tầng trong nhà.
Mặt cắt ngôi nhà.
Thông tin dự án:
- Tên dự án: Nhà cho mưa
- Đơn vị thiết kế: NH VILLAGE. LTD
- Kiến trúc sư: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Phương Hiếu, Đỗ Quang Minh, Nguyễn Hà Thơ, Đào Văn Thiều
- Địa điểm: Phù Cừ, Hưng Yên, Việt Nam
- Diện tích khu đất: 73m2
- Diện tích xây dựng: 210m2
- Năm hoàn thiện: 2017
- Ảnh: Hiroyuki Oki
May