Tổng thu nhập mỗi tháng từ công việc kế toán của hai vợ chồng chị Bình được hơn 25 triệu đồng. Lấy nhau từ năm 2007, đến nay, anh chị đã có hai con. Năm 2017, với số tiền tiết kiệm được cùng tiền bố mẹ cho và vay thêm, vợ chồng chị mua mảnh đất 64m2 ở quận 9 và dự định xây nhà 1 trệt, 1 lầu với hơn 400 triệu.
Chị Bình muốn thuê kiến trúc sư để lên thiết kế bản vẽ, từ đó dự trù kinh phí. Chị cũng cho rằng, thuê kiến trúc sư còn hạn chế được việc phải sửa chữa nhà sau này, hay việc chọn lựa nội thất, màu sắc, đường điện nước... cũng khoa học hơn.
Trong khi đó, anh Tuấn (35 tuổi) nhất định không đồng ý. Anh cho rằng chi phí thuê kiến trúc sư khá lớn, nên để số tiền đó để mua bộ bàn ghế, tủ quần áo hoặc để trả lãi ngân hàng. Anh nói: “Những gia đình xây nhà phố mới thuê thiết kế bản vẽ, nhà mình nhỏ xíu sao phải tốn vào những chi phí không cần thiết”.
Anh cho rằng chỉ cần xem những nhà xung quanh làm như thế nào rồi nhà mình tự học theo, hoặc làm hợp đồng với người thầu để họ xây dựng sao cho khoa học. Anh cũng sẽ lên mạng xem hướng dẫn làm đường điện nước rồi tự mày mò làm để tiết kiệm chi phí.
Vợ chồng chị Bình gặp nhiều rắc rối do không thiết kế bản vẽ khi xây nhà |
Vì mỗi người một ý kiến nên hai vợ chồng chiến tranh lạnh một tuần. Cuối cùng, chị Bình cũng đành đồng ý với chồng vì số tiền anh chị có lúc đó cũng không nhiều, tiết kiệm được cũng tốt.
Sau 3 tháng, họ về nhà mới sinh sống, khi đó cũng là lúc nhiều rắc rối xảy ra. Kinh phí xây dựng bị dôi lên hơn 100 triệu do nhiều lần tường bị xiên, phải đập đi chỉnh lại. Chị Bình nói: “Chúng tôi chỉ muốn xây căn nhà khoảng 40m2, chừa lại ít đất trồng rau ăn, vậy mà nhà thầu họ đào móng bị lố”. Hai vợ chồng lại chiến tranh lạnh.
Không chỉ vậy, đường ống nước cũng gặp vấn đề, liên tục bị nghẽn, rò rỉ, sửa liên tục mà vẫn không cải thiện. Các ổ điện thường xuyên bị cháy, bị chập điện. Có khi chồng cắm bàn ủi, vợ bật máy lạnh là điện lập tức bị chập, phải gọi thợ sửa.
Đó là chưa tính đến việc trang trí nhà không hợp lý, nền nhà lô nhô, góc tường bị méo, trong thấp ngoài cao... “Ban đầu, chúng tôi muốn xây cửa hai phòng ngủ cách xa nhau, vậy mà không được như ý muốn làm bao rắc rối diễn ra”, chị Bình nói.
Chị nói anh bảo thủ để nhà mới đã phải sửa chữa còn anh tự ái nói vợ chỉ biết dạy chồng. Đỉnh điểm là khi chị ấm ức, viết đơn ly hôn khi anh nói: “Cô giỏi thì đập đi xây lại, không có tiền còn lắm chuyện”.
Tương tự vợ chồng chị Bình, vợ chồng anh Hoàng (Bình Phước) cũng gặp nhiều rắc rối khi xây nhà không thiết kế bản vẽ trước.
Anh kể, hai năm trước, hai vợ chồng anh muốn xây một căn nhà 3 tầng, 5 phòng ngủ. Anh đi chụp lại những ngôi nhà thấy đẹp rồi tham khảo xây theo. Anh nói: “Bây giờ tôi đã thấy đó là một việc làm vô cùng sai lầm”.
Kiến trúc sư Trần Công Doãn cho rằng, vì muốn tiết kiệm kinh phí mà vợ chồng chị Bình đi một vòng, xem nhà nào đẹp và kêu thợ thầu làm giống hệt là được, nhưng họ không biết rằng, việc xây nhà không như may một cái áo.
Theo anh Doãn, việc xây nhà rất phức tạp và rất quan trọng, đó là tài sản cả đời của nhiều người. Nếu không thiết kế bản vẽ trước sẽ khiến nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình thi công, thậm chí phải đập đi xây lại nếu muốn thay đổi theo ý mình. Điều này khiến chi phí làm nhà bị đội lên cao.
Đó là chưa kể, cấu trúc đất của mỗi nhà khác nhau, khi đi "xào" mà không tính toán đến thẩm mỹ, yếu tố kỹ thuật thì sẽ gặp nhiều rắc rối khi ở, nhưng xây lại thì không có kinh phí.
Theo anh Doãn, hiện nay, khi thiết kế nhà, các dữ liệu mặt cắt, mặt bằng, mặt đứng và các chi tiết liên kết với nhau chặt chẽ. Khi một chi tiết thay đổi, cả hệ thống bản vẽ sẽ được cập nhật theo. Sai sót vì thế sẽ được hạn chế tối đa. Không chỉ vậy, khối lượng vật tư cụ thể cho từng hạng mục cũng sẽ được tính toán chính xác để giúp gia chủ dự trù kinh phí.