Phong thuỷ học Trung Quốc chú trọng trường khí có hài hoà hay không. Vậy, sự hài hoà của trường khí có liên quan tới những nhân tố nào?
Trong “Thanh nang kinh” tác phẩm kinh điển phong thuỷ học đã nói rất đúng: “Lý ngụ ư khí, khí hựu ư hình” ý của câu này là hình như thế nào sẽ có khí như vậy.
Ở những khu phố xá hoặc thương mại phồn hoa sầm uất thường chi chít toà ngang dãy dọc cao ngất, khiến ta luôn có cảm giác hiện đại của thế giới bê tông cốt thép. Có người cho rằng trong môi trường ấy nhân khí là vượng nhất, là môi trường sống tốt cho con người. Thật ra không phải vậy, bởi trường khí nơi đó đã thay đổi không còn thích hợp cho sự cư trú lâu dài. Lý do như sau:
1. Trước mặt nhà ở tối kỵ có vật kiến trúc lớn chắn ngang. Phong thuỷ học truyền thống cho rằng, sinh khí của các vật kiến trúc cao to mạnh hơn nhiều so với những vật kiến trúc thấp. Sống trong những toà nhà thấp, về mặt sinh khí luôn ở vào thế lép vế.
2. Cư trú trong quần thể dân cư gồm toàn những căn nhà thấp là tốt nhất. Khu dân cư hiện đại nếu gồm toàn những ngôi nhà thấp quây quần, về cơ bản có kích thước to nhỏ sàn sàn nhau, có điểm tốt là sinh khí mạnh yếu gần ngang nhau không gây cảm giác bức bối sinh khí mạnh áp đảo sinh khí yếu.
3. Vật kiến trúc cao to chắn trước mặt đã cướp đoạt mất hết sinh khí, nơi sinh khí yếu lại bị bóng của toà kiến trúc cao che phủ, cả 4 mùa trong năm chẳng được hứng ánh nắng mặt trời, luôn nặng nề âm khí, không có lợi cho sức khoẻ cả mặt thể xác và tinh thần.
4. Nếu như nhà ở lọt thỏm trong 4 bề đều là nhà cao tầng chót vót, căn nhà của ta lụp xụp trong cả quần thể kiến trúc, như người lùn trong đám đông, như gà ri đứng giữa đàn hạc, thì tầm nhìn ra ngoài bị chung quanh che chắn, khiến người ta có cảm giác tù túng, chật chội, khí thế không thể vươn xa, sự phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
5. Gần những toà lầu, gác chuông cao to, nhọn hoắt kiểu phương tây, dân chúng không nên xây dựng các ngôi nhà ở và sinh sống lâu tại đó. Thời xưa, người ta thường xây dựng các toà bảo tháp có chóp đỉnh nhọn hoắt dùng để yếm trấn tà ma, vậy nên gần những toà tháp đó tuyệt nhiên không bao giờ có nhà ở.
Nhìn từ góc độ an toàn, thì những toà kiến trúc có chóp nhọn thường tồn tại rất nhiều nhân tố mất an toàn. Những toà nhà kiến trúc đó dễ bị sét đánh trong mùa mưa bão, bởi vậy nên nói chung người ta đều phải gắn cột thu lôi trên đỉnh. Mà một khi sét đánh, đương nhiên sẽ phóng ra sóng điện trường, như vậy sẽ phá vỡ trường khí hài hoà chung quanh, từ đó mà hình thành trường khí dữ. Cũng tương tự như vậy những cột tháp mắc dây điện cao áp hay tháp sắt cột ăng ten phát thanh truyền hình đều có ẩn hoạ như vậy. Do đó, gần những vật kiến trúc chóp nhọn này con người không nên cư trú.
Đương nhiên mỗi sự vật đều có tính hai mặt của nó, cái gọi là “Phúc hề hoạ chi sở phục, họa hề phúc chi sở ý” (phúc ẩn chứa trong hoạ, hoạ dựa vào phúc). Nếu những cột tháp nhọn đó nằm cách xa nhà ở một khoảng cách nhất định ở một vị trí thích đáng, lại có thể phản ứng sản sinh ra trường khí lành. Người xưa gọi là “Ngọn văn bút” hoặc “tháp văn xương”, nghe nói có thể sản sinh ra hiệu ứng có lợi cho nghiệp học hành và thành quả nghiên cứu.
Tuy nhiên giữa xấu và tốt đều có vấn đề nắm bắt một cách thích đáng, nhưng vị trí của nhà ở tốt nhất vẫn kh6ng nên toạ lạc gần các toà kiến trúc cao to hoặc có chóp nhọn.