Bekasi là một thành phố nhỏ ở Indonesia với số dân chỉ hơn 2 triệu người, nhưng cũng như một số nước Đông Nam Á khác, quỹ đất ở đây cũng đang dần khan hiếm và đối với gia đình công chức nhà nước như Nugroho Wisnu và vợ Tri Sundari thì việc có được một một mảnh đất với mặt tiền hơn 3 mét ở một khu ngọai ô như thế này cũng là một cố gắng vượt bậc.
Và với sự giúp đỡ tận tình của những người bạn trong ngành kiến trúc và xây dựng, gia đình trẻ của anh cũng đã dựng được một ngôi nhà thật đơn giản nhưng cũng đầy cá tính trong một nguồn ngân sách vô cùng hạn hẹp. Ngay mặt tiền nhà nơi thông thường được trang trí lộng lẫy nhất cũng được anh đơn giản hóa bằng những tấm panel ghép từ những thanh gỗ tận dụng tạo thành cánh cửa trượt suốt chiều cao nhà, khiến mỗi khi mở ra thì toàn bộ căn nhà được ngập tràn ánh sáng tự nhiên. Và vô hình chung nó trở thành một nét đặc biệt trong cả khu phố.
Xu hướng của Wisnu là càng đơn giản càng tốt, một phần theo lời khuyên của bạn bè, nhưng quan trọng là do ngân sách bị hạn chế. Những bức tường, những cây cột để mộc và quét xi măng, tuy đơn giản nhưng vẫn tóat lên được vẻ đẹp tinh tế. Vì diện tích khiêm tốn nên mỗi không gian của căn hộ đều được sử dụng một cách hiệu quả và ngăn nắp.
Phía sau nhà là một khu vườn lý tưởng. Ở đây những khu vườn cạnh nhau chỉ được ngăn cách bằng những hàng rào ước lệ, vẫn giữ được mối quan hệ hàng xóm như những vùng nông thôn.
Chiếc cầu thang dốc từ phòng sinh họat chung thông ra vườn là một ý tưởng độc đáo của Wisnu. Với một lối đi thoai thỏai như thế này, cặp song sinh xinh xắn có được nhiều chỗ chơi hơn, mà độ an tòan lại được tăng lên.
Căn bếp sau nhà và phòng ăn mở thông luôn ra vườn sau, một phong cách mà hầu như ở Việt nam ít người sử dụng. Nó khiến cho các không gian còn lại trong nhà cũng được thông thóang hơn, tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn. Và không gian mở này cũng khiến cho cặp song sinh có thêm nhiều chỗ để chơi, không bị cảm giác chật chội làm thui chột trí sáng tạo của chúng.
Tòan bộ công trình này khiến gia đình trẻ tốn khỏang 20 ngàn USD, một cái giá mà theo Wisnu là chỉ bằng 2/3 giá trị một căn nhà khác với diện tích tương tự trên thị trường xây dựng. Điều này cũng một phần nhờ sự sáng tạo của kiến trúc sư Ahmad Djuhara và sự đồng thuận của hai bên khi cùng đưa ra thiết kế cho ngôi nhà.
Một công trình thật đơn giản mà cô đọng, với cách sử dụng bê tông trần, đường nét tối giản và màu sắc u nhã ảnh hưởng của kiến trúc Nhật Bản hiện đại, nhưng những mành tre và đồ gỗ trong nhà thì đậm chất Đông Nam Á bản địa.