Khu nhà vườn tí hon là một phong trào xuất phát từ đầu thế kỷ 20 tại Berlin và dần dần lan ra các thủ đô Bắc Âu. Lúc đầu nó là một khái niệm do đảng Xã hội dân chủ cầm quyền đưa ra để ngăn giai cấp vô sản khỏi làm cách mạng, lật đổ chính quyền.
Lúc đó công nghiệp hoá đã bắt đầu. Nhiều người dân trong nông thôn đổ ra thành thị kiếm công ăn việc làm. Họ ở tại những nhà trọ chật chội và thiếu mọi tiện nghi. Nhằm tạo điều kiện cho giai cấp lao động vô sản này được có nơi nghỉ ngơi và sản xuất rau cỏ để tự phục vụ cho mình, chính quyền xã hội dân chủ đã thành lập những khu nhà vườn nhỏ phân chia cho các gia đình công nhân.
Ngày nay phong trào này ngày càng phát triển mạnh tuy bối cảnh xã hội thay đổi nhiều. Mạnh nhất tại Đan Mạch. Tại Na Uy, hội Nhà vườn có tất cả 14 khu nhà vườn. Riêng Oslo có 9 khu.
Tôi xin giới thiệu khu nhà vườn tí hon RodelØkka, cách nhà tôi đang ở chừng năm phút đi bộ. Được khánh thành từ năm 1907, khu nhà vườn này gồm có tổng cộng 151 mảnh đất vào khoảng 200m 2 /mảnh. Người dân được phép xây dựng một căn nhà với diện tích tối đa 32m 2 . Mái hiên thêm 10m 2 . Còn lại là vườn để trồng cây ăn quả, hoa và rau. Nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng tại một nơi riêng. Có nhà truyền thống cho thuê để tổ chức liên hoan, chiêu đãi. Đa số những căn nhà tí hon này được xây dựng ngay lúc mới thành lập, bằng gỗ – một vật liệu xây dựng truyền thống của Na Uy. Sơn nhiều màu sắc để bảo quản. Không có kiến trúc sư tham gia.
Nhà thì của mình nhưng đất thì thuê của chính quyền địa phương với giá tương đối rẻ. Chủ nhà được quyền cho con cái thừa kế. Điều kiện bây giờ không cần phải là thuộc giai cấp công nhân nữa nhưng bạn phải là người ở tại chung cư ở Oslo và yêu chuộng làm vườn.
Khu nhà vườn được quản lý với tinh thần tập thể: mọi người tham gia làm vệ sinh, giữ môi trường sạch sẽ... Hàng năm có tổ chức thi nhà/vườn đẹp nhất. Để tìm hiểu rõ thêm tại sao phong trào nhà vườn lại được quần chúng yêu thích như vậy, tôi gặp một chủ nhà.
Bà Laila đang ngồi dưới mái hiên gọt táo để làm mứt vừa kể cho tôi nghe: “Căn nhà tí hon này đã thay đổi hẳn cuộc sống gia đình chúng tôi. Nhà có phòng khách, bếp và chỗ ăn cùng một phòng ngủ tí hon... Có điện, nước. Vệ sinh thì phải ra nhà công cộng.
Hệ thống nước không chôn sâu nên mùa đông đóng băng không dùng được. Con gái tôi làm ngành tin học. Cháu nói mỗi khi mở cửa vào đến vườn cứ như là bước vào thiên đường vậy. Để lại thế giới ồn ào căng thẳng ở bên ngoài. Tại đây được lấy tay mình bới đất trồng hoa quả, rau đậu; táo, mận ra trái không kịp hái. Bọn trẻ con cháu tôi thì có chỗ rộng rãi để chạy chơi, chỉ vội ăn để ra chơi tiếp với bạn bè láng giềng của chúng. Khác hẳn ở căn hộ. Ở đây chúng tôi quen hết cả những người ở tít đầu ngõ kia. Đời sống xã hội trong khu nhà vườn phát triển, phong phú lắm”.
Những lời bà Laila kể đã khẳng định một số suy nghĩ của tôi sau nhiều năm sống tại các nước giàu có, văn minh. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá có thể đem lại phồn vinh, tiện nghi vật chất cho một xã hội. Nhưng kinh nghiệm ở những xã hội phát triển cho thấy là về mặt tình cảm, quan hệ con người với con người thì ngày càng nhạt nhẽo đi. Tại các nước Bắc Âu hiện có 30% người dân bị bệnh tâm thần vì thấy mình rất cô đơn, thiếu quan hệ xã hội. Phải đi bác sĩ tâm thần hay bệnh viện điều trị. Thật là mâu thuẫn!
Bốn mảnh tường có thể làm ra một căn hộ, thậm chí rất đẹp. Nhưng đồng thời nó cũng tạo ra khoảng cách đối với hàng xóm láng giềng. Độc lập hoá, cô lập hoá con người. Trong phạm vi của căn hộ, ta đầy đủ hết, không cần gì của ai bên ngoài.
Dần dần đi đến tình trạng Bắc Âu: có văn minh nhưng thèm văn hoá. Nếu ta định nghĩa văn hoá là tạo điều kiện cho xã hội phát triển đa dạng, đa phương. Cả về mặt quan hệ con người với con người chứ không riêng tăng trưởng kinh tế như mọi người chỉ quan tâm hiện nay.
Theo Sài Gòn tiếp thị