Sau một thời gian khá trầm lắng thì hiện nay cuộc chiến giữa gạch không nung và gạch nung lại được khơi mào.
Thời điểm thị trường địa ốc đóng băng, một loạt cơ sở sản xuất gạch tuynel (gạch đỏ), loại gạch thông dụng trong xây dựng phải đóng cửa hoặc chỉ chạy từ 30 - 50% công suất. Nhưng khi thị trường xây dựng sôi động trở lại đã khiến giá gạch đỏ tăng chóng mặt trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/2015.
Theo ghi nhận trong thời gian này, giá gạch đỏ tăng ở hầu hết các tỉnh thành khu vực phía Nam, nhất là Tp. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tăng trung bình khoảng 30%, thậm chí có một số chủng loại tăng đến 50%.
Tính từ đầu năm đến nay, Công ty Thạch Bàn đã tăng giá tới 3 lần. Giám đốc Chi nhánh Tp. HCM Công ty Thạch Bàn, ông Nguyễn Công Định cho hay, mỗi lần tăng giá 50 đồng/viên, đối với gạch 80 x 80 x 180 mm đã tăng từ 480 đồng/viên lên 630 đồng/viên. Trước đó, vào năm 2008, công ty bị rơi vào tình trạng ngừng hoạt động và công nhân không có việc làm, vì vậy phải giảm giá để cạnh tranh, nhưng nay thị trường sôi động trở lại nên tăng giá để bù đắp lỗ trước đó.
Thế nhưng, đại diện Công ty Gạch ngói Đồng Nai lại cho biết, Công ty đã giảm giá bán đến 3 lần kể từ đầu năm 2015 đến nay. Nếu so với năm 2014, giá gạch ống đã giảm từ 1.500 đồng/viên xuống 1.000 đồng/viên. Được biết, tại thị trường Đồng Nai, bên cạnh gạch “chính quy” còn có loại gạch Alpha giá rẻ chỉ 720 đồng/viên.
Mặc dù được sự hỗ trợ của chính sách, song gạch không nung vẫn rất vất vả khi phải cạnh tranh với gạch nung. Ảnh: Hoài Nam |
Trên thực tế, sự tăng giá của gạch đỏ đã gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng nhỏ lẻ, đặc biệt là nhà dân từ 1 - 4 tầng, do chi phí gạch đỏ chiếm từ 13 - 20% tổng dự toán. Nhưng đối với các dự án BĐS lớn thì không có nhiều xáo trộn.
Theo Tổng giám đốc Công ty TECCO, chủ đầu tư TECCO Green Nest (quận 12), ông Trần Hải Minh, đơn giá xây dựng đã được lập ngay từ đầu và các hợp đồng mua vật liệu xây dựng đều có điều khoản quy định rõ ràng, cho nên dù giá tăng cũng chỉ ở trong khung của hợp đồng.
Trong khi gạch đỏ đang tăng giá trở lại thì gạch không nung lại giữ giá, điểm tích cực đó là mức tiêu thụ đã tốt hơn trước. Ông Phạm Hữu Quang Viên, Tổng giám đốc Công ty Gạch Vương Hải, công ty sản xuất gạch bê tông khí chưng áp cho hay, hiện nay sản phẩm V-Block đã tiêu thụ nhiều tại thị trường trong nước, tuy giá bán vẫn ổn định, nhưng hiện nhà máy đã chạy khoảng 90% công suất thay vì chỉ chạy từ 30 - 60% công suất như trước đây.
Với sự hỗ trợ từ chính sách cùng với việc gạch đỏ tăng giá mạnh trong thời gian qua khiến nhiều người kỳ vọng sản phẩm gạch không nung sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình. Nhưng dù mức tiêu thụ trong nước đã khá hơn trước đây, song vẫn còn hạn chế và không phải nhà máy nào cũng có mức tiêu thụ tốt.
Còn ở thị trường dân sinh thì người dân vẫn sử dụng gạch đỏ, cho dù phải bù thêm chi phí do giá sản phẩm này tăng. Nhưng nếu so với giá của gạch không nung thì mức giá của gạch đỏ vẫn thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa, gạch không nung không tiện sử dụng ở các công trình nhỏ lẻ, vì khi xây dựng bằng gạch này đòi hỏi thợ xây phải có kỹ thuật và kinh nghiệm.
Không riêng gì nhà dân mà theo nhiều chủ đầu tư, với các công trình đang xây dựng dở dang thì khó đưa gạch không nung vào, vì vậy vẫn phải sử dụng gạch đỏ. Xét về vĩ mô, nếu như không có chính sách, quy hoạch hợp lý thì nhiều khả năng chủ trương phát triển vật liệu xây dựng không nung sẽ lại gặp khó, vì với việc giá gạch xây dựng đang tăng trở lại, không ít lò gạch thủ công đã “khai tử” trước đây sẽ được “tái sinh”.