Ảnh minh họa |
Điển hình như tại chi nhánh Hà Nội thuộc công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên chưa thực hiện đúng quy trình về phân cấp mua – bán, vượt hạn mức bảo lãnh của ngân hàng hơn 26 tỉ đồng và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ, tài liệu để làm trái các quy định mua bán hàng của công ty. Điều này dẫn đến công nợ kéo dài, khó có khả năng thu hồi. Được biết, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra đã vào cuộc thu thập hồ sơ chứng cứ để làm rõ vụ việc.
Tương tự, xí nghiệp kinh doanh Kim khí và dịch vụ số 2 (công ty cổ phần kim khí Hà Nội) ký hợp đồng không có tài sản bảo đảm, không đặt cọc và đến nay không đòi được nợ. Giám đốc xí nghiệp này ký hợp đồng quản chấp tài sản với ngân hàng không đúng thẩm quyền, có dấu hiệu vụ lợi và hiện giám đốc này đã bỏ trốn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Hai công ty con nói trên cũng là hai đơn vị tập trung nhiều khoản nợ phải thu khó đòi, dẫn đến phải trích lập chi phí dự phòng cao, ảnh hưởng đến nguồn vốn sản xuất. Như tại công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên là 53,5 tỉ đồng, chiếm 75,65% dự phòng phải thu khó đòi của tổng công ty; con số này tại công ty kim khí Hà Nội là 15,3 tỉ đồng, chiếm 21,65%.
Nguyên nhân của tình trạng nợ khó đòi, có khả năng mất vốn nói trên, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, là do trước khi thực hiện hợp đồng mua bán theo phương thức chậm trả công ty chưa đối chiếu với ngân hàng để xác định tính hợp pháp của thư bảo lãnh, dẫn đến một số thư bảo lãnh không đúng quy định, không phải ngân hàng phát hành mà là khách hàng tự cung cấp... Thêm vào đó, việc nợ khó đòi tại các công ty của tổng công ty Thép còn có nguyên nhân do ngân hàng phát hành bảo lãnh chưa tích cực thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ví dụ trường hợp của công ty gang thép Thái Nguyên nợ khó đòi đến ngày 31/5/2012, tập trung vào một số khách hàng lớn có bảo lãnh của ngân hàng và tài sản đảm bảo lên đến gần 600 tỉ đồng.
(Theo SGTT)