Độ nhẵn bề mặt
Giấy dán tường có thể sử dụng ở nhiều không gian, nhiều phòng khác nhau. Độ nhẵn bề mặt giấy dán tường có nhiều mức độ khác nhau, từ nhám đến nhẵn bóng. Với những loại giấy có bề mặt nhẵn, bóng, thì có ưu điểm là dễ vệ sinh, lau chùi nếu có vết bẩn; và phù hợp cho những nơi có độ ẩm cao, khu vực có liên quan đến nước.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể cần lưu ý độ nhẵn (nhám) bề mặt. Trên những diện tường lớn, hoặc nơi có nguồn sáng mạnh chiếu vào, không nên sử dụng giấy có bề mặt nhẵn – bóng quá; vì sẽ gây phản quang, giảm hiệu quả thẩm mỹ trong không gian nội thất, thậm chí có thể gây loá mắt. Ngoài ra, độ bóng của giấy dán tường cũng sẽ dễ làm lộ những khiếm khuyết của bề mặt tường trát không phẳng.
Những mẫu giấy dán tường phù hợp với cá tính trẻ, năng động. Ảnh: Thu Vân |
Hoa văn phù hợp không gian
Ưu điểm lớn của giấy dán tường so với sơn nước chính là hoa văn. Cần tận dụng ưu thế này khi sử dụng vật liệu này. Cũng có những loại giấy dán tường “trơn” chỉ có màu, không có hoa văn, tuy nhiên nếu dùng như vậy thì lại... giống sơn.
Hoa văn của giấy dán tường rất phong phú, và đây cũng là khó khăn vì dễ hoa mắt khi lựa chọn. Lựa chọn màu sắc và hoa văn của giấy dán tường cần căn cứ vào tính chất của không gian, phòng chức năng cụ thể, độ lớn diện tường, phong cách bài trí, đồ đạc nội thất... Ví dụ như với một không gian nội thất cổ điển, thì có thể chọn những hoa văn cầu kỳ, quý phái; một không gian hiện đại thì chọn mẫu hoa văn đơn giản, đường nét khoẻ khoắn. Với diện tường lớn thì có thể dùng những hoa văn cỡ lớn; diện không lớn, diện nhỏ thì dùng những mẫu hoa văn nhỏ.
Không quá tràn lan
Giấy dán tường nên sử dụng ở những diện tường có ý nghĩa như một điểm nhấn, không nên sử dụng quá tràn lan. Mảng nhấn có thể là sau lưng kệ tivi, đầu giường ngủ, khu vực sảnh đón... Ngoài ý nghĩa điểm nhấn, thì sử dụng giấy dán tường trên quá nhiều diện tường có tác dụng tiêu cực: đó là làm giảm khả năng trao đổi độ ẩm của tường với môi trường. Khi độ ẩm trong không khí cao, tường sẽ thẩm thấu bớt lượng hơi nước trong không khí, và khi độ ẩm môi trường giảm, lượng hơi nước trong tường sẽ thoát ra ngoài, tạo sự cân bằng. Sử dụng giấy dán tường nhiều, khi độ ẩm cao, sẽ có hiện tượng “đổ mồ hôi”, chảy nước trên bề mặt.
Trong trường hợp sử dụng giấy dán tường nhiều, trên diện lớn; thì cần lưu ý chọn những mẫu hoa văn nhẹ, chìm, với màu sắc nhã nhặn, để tránh rối mắt.
Chuẩn bị bề mặt ổn định
Khi quyết định sử dụng giấy dán tường cho một bề mặt, một diện tường cụ thể, cần phải kiểm tra, định vị các vật dụng, thiết bị liên quan trên bề mặt tường, như mặt công tắc, ổ cắm, vị trí đèn tường, tivi, mặt điều hoà, mắc áo, đinh – móc treo tranh, treo đồ... Những vị trí này cần được định vị chính xác, đảm bảo kỹ thuật. Bởi lẽ nếu cần điều chỉnh, thay đổi vị trí, hoặc sửa chữa liên quan tới những thiết bị, vật dụng này, sẽ để lại những “vết sẹo” mất thẩm mỹ, khó sửa chữa – nhất là khi mẫu giấy sử dụng không còn.
Khi thực hiện dán giấy dán tường lên bề mặt tường, mà đã có những thiết bị, vật dụng trên đó; và nếu đã chính xác vị trí; thì tốt nhất nên tháo các mặt che, chân đế áp tường của các thiết bị, sau khi dán xong sẽ lắp lại. Khi đó các mặt che này sẽ đè lên bề mặt giấy dán tường, thẩm mỹ hơn nếu như để nguyên và cắt – trổ giấy quanh các mặt che, chân đế – rất dễ bị lỗi, lem nhem không đẹp.
Hoa văn giấy dán tường phù hợp với tính chất không gian và nội thất: phòng ngủ với phong cách cổ điển, quý phái. Ảnh: Hà Thành |