Theo thông tin của Hiệp hội bếp và phòng tắm Mỹ (NKBA), khoảng 65% số nhà mới xây trong năm 2018 tại nước này có phòng bếp được thiết kế theo phong cách chuyển tiếp. Con số này gần gấp đôi so với các mẫu thiết kế bếp phổ biến khác như phong cách truyền thống, đương đại hay kiểu trang trại.
Để tìm hiểu sâu hơn về phong cách bếp chuyển tiếp, dưới đây, Zach và John Starck, CEO và chủ công ty kiến trúc Showcase Kitchens có trụ sở tại Manhasset, New York sẽ chia sẻ một số điều cần biết về xu hướng thiết kế nhà bếp này.
Sạch sẽ và thư thái
Nhà bếp phong cách chuyển tiếp mang lại cảm giác gọn gàng, sạch sẽ và thoáng mát. Ảnh: Breadmaker |
Theo Zach, các mẫu thiết kế chuyển tiếp là sự tổng hòa ưu điểm của các phong cách khác, hòa trộn chất liệu truyền thống với nét bóng bẩy trong phong cách đương đại. Điều này được thể hiện trong những nét cắt hình học gọn gàng, thiết kế đơn giản và thiết thực. Trong ảnh minh họa trên, chất liệu gỗ truyền thống được sử dụng kết hợp với mặt bàn và kệ tủ trắng, điểm xuyết thêm yếu tố thủ công mang lại cảm giác thoáng mát và thư thái.
Chuyên gia này cũng lưu ý, các chi tiết cầu kì, phức tạp, ví dụ như bệ đỡ hay các chi tiết ốp tường bằng thạch cao có hoa văn cầu kì, là “điều cấm kị” trong phong cách chuyển tiếp.
Tông màu
Không gian bếp được thiết kế theo phong cách chuyển tiếp thường có tông màu sáng hoặc trung tính. Ảnh: Showcase Kitchens |
Các căn bếp phong cách chuyển tiếp thường có xu hướng mở rộng không gian sống, vậy nên các nhà thiết kế thường sử dụng kết hợp những tông màu sáng và trung tính. Các màu hay được sử dụng nhất theo nhận định của Zach là trắng, kem, vàng sáng hoặc xanh dương.
Tủ bếp
Hệ thống kệ tủ có thiết kế đồng nhất, đảm bảo đầy đủ không gian lưu trữ đồ. Ảnh: Showcase Kitchens |
Với phòng bếp chuyển tiếp, các nhà thiết kế thường lựa chọn tủ bếp tông sáng với thiết kế đơn giản, chất liệu gỗ vân hoặc vật liệu tổng hợp. Zach chia sẻ rằng họ thường sử dụng tủ bếp có chi tiết chìm trên cánh cửa, kết hợp với bếp âm tường và các chi tiết bóng mờ.
Đồ gia dụng
Máy hút mùi truyền thống cũng được ứng dụng phổ biến trong phong cách chuyển tiếp. Ảnh: Showcase Kitchens |
Theo Starck, tổ hợp kinh điển nhất trong căn bếp chuyển tiếp là tông trắng chủ đạo, đồ gia dụng bằng thép không rỉ, bàn bếp ở giữa và kệ tủ xung quanh. Đồ gia dụng như tủ lạnh, lò nướng và bếp nấu thường được xây chìm vào kệ tủ với thiết kế đồng bộ. Một số đồ gia dụng khác như máy hút mùi hay máy rửa bát, nếu muốn thêm vào cũng phải đảm bảo tiêu chí trên.
Mặt bếp và ốp tường
Bàn bếp ốp một bên cạnh tạo hiệu ứng thác đổ khá đẹp mắt. Ảnh: C Wood Photography |
Một chi tiết làm nên vẻ đẹp tinh tế của phong cách chuyển tiếp là mặt bếp ốp đá cẩm thạch hay thạch anh. Mặt bên của kệ tủ cũng có thể được ốp gạch cùng loại để tạo hiệu ứng thác đổ đẹp mắt. Nếu đá cẩm thạch và thạch anh quá đắt đỏ với ngân sách của bạn, gạch khảm và ốp thủy tinh cũng là một sự lựa chọn không tồi.
Bồn rửa và vòi nước
Bồn rửa bát đơn được sử dụng trong phong cách Transition. Ảnh: Elkay |
Zach cũng khuyên bạn nên sử dụng chậu rửa đơn bằng chất liệu thép không gỉ kết hợp với vòi rửa cùng chất liệu được đánh bóng mờ nhằm mang lại cảm giác hiện đại cho căn bếp. Zach chia sẻ: “Thiết kế này đảm bảo tiêu chí đơn giản mà hiệu quả. Đối với vòi nước, bạn có thể lựa chọn loại xoáy thủ công hoặc loại có cảm ứng chuyển động.”
Sàn và đèn
Đối vời sàn, Zach khuyên bạn sử dụng sàn gỗ hoặc lát gạch với độ bóng cao. Nếu lựa chọn gỗ, bạn có thể sử dụng cả gỗ tự nhiên lẫn gỗ công nghiệp. Với gạch lát, các chất liệu thường được sử dụng gồm gốm, sứ và đá.
Sàn gỗ tối màu đối lập với tông trắng chủ đạo mang lại nét đẹp hiện đại mà đơn giản. Ảnh: Breadmaker |
Bước cuối cùng trước khi hoàn thành thiết kế căn bếp chuyển tiếp là bố trí ánh sáng. Theo Zach, bạn có vô vàn sự lựa chọn từ hình dáng, chất liệu đến cường độ sáng của những chiếc đèn, song, phải đảm bảo phù hợp với phần còn lại của thiết kế căn bếp.
Từ đương đại đến cổ điển, từ phong cách truyền thống đến lối thiết kế công nghiệp, phòng bếp chuyển tiếp là sự tổng hòa những ưu điểm của nhiều phong cách khác nhau, tạo ra sự độc đáo, dấu ấn cá nhân của từng nhà thiết kế trong nét đẹp hiện đại chung.
Hoài Thơm