Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát cho hay, không phải vô cớ mà những nhà đầu tư dành mối quan tâm đặc biệt cho dòng sản phẩm shophouse ở Tp.HCM trong thời gian gần đây. Ông Nam nêu ra 7 lý do giải mã cơn sốt của loại hình này.
Đầu tiên, vị trí cực kỳ đắc địa. Các căn hộ shophouse thường tọa lạc tại vị trí tầng trệt của những khu căn hộ lớn hoặc nằm ở mặt tiền đường chính, nhiều người qua lại. Nhờ đó, những căn shophouse có lợi thế rất lớn về nguồn khách hàng nội tại và ít biến động. Yếu tố này bảo đảm cho việc cho thuê hoặc kinh doanh tốt.
Hai là số lượng rất ít. Những căn hộ shophouse thường có số lượng hạn chế, chiếm 5% khu đô thị lớn và 2-3% các dự án chung cư quy mô trung bình. Chính vì số lượng không lớn cùng vị trí đắc địa nên dòng sản phẩm này thường không đủ hàng để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. Một ưu điểm rất lớn của loại nhà thương mại này là được định vị là hàng hiếm.
Ba là thiết kế thông minh dựa theo hướng đa chức năng. Căn hộ shophouse có phần diện tích ở và phần diện tích kinh doanh tách biệt nên thuận lợi cho việc buôn bán kinh doanh. Bên cạnh đó, loại căn hộ này cũng có thể sử dụng làm văn phòng. Với lợi thế là căn hộ tích hợp nhiều chức năng, shophouse không chỉ hấp dẫn khách hàng là các nhà đầu tư cá nhân mà còn cả tổ chức (những doanh nghiệp nhiều ngành nghề).
Nhiều nhà đầu tư quan tâm, săn lùng căn hộ thương mại tầng trệt trong những tòa chung cư. Ảnh: V.L |
Bốn là thuận tiện di chuyển, dễ dàng tiếp cận từ các hướng. Hiện nay, đối với các cửa hàng, khu mua sắm, chỗ để xe cho khách hàng đang là vấn đề nan giải nhất. Shophouse sở hữu lợi thế là có chỗ để xe rộng rãi trong các tầng hầm chung cư hoặc ngoài trời, tạo điều kiện thuận tiện cho việc di chuyển. Khách sống trong tòa nhà lẫn khách vãng lai bên ngoài đều có thể tiếp cận các cửa hàng kinh doanh một cách nhanh chóng.
Năm là thanh khoản tốt. Nhà đầu tư không cần lo ngại về tính thanh khoản của tài sản khi sở hữu một căn shophouse đa chức năng, số lượng hạn chế, vị trí đắc địa. căn hộ mặt tiền thương mại dễ cho thuê, dễ mua bán với chức năng thương mại vượt trội.
Sáu là doanh thu từ cho thuê cao. Căn shophouse có tỷ lệ khai thác khoảng 8-12%/năm. Dòng tiền do sản phẩm này đem đến cho chủ sở hữu cao hơn hiệu suất cho thuê của phân khúc căn hộ chung cư, gửi tiết kiệm đồng thời ít rủi ro hơn chứng khoán hay vàng.
Bảy là nhiều cơ hội gia tăng giá trị tài sản. Trong điều kiện khu căn hộ có tỷ lệ lấp đầy cao, cộng đồng cư dân về khu vực này ở ngày càng nhiều chắc chắn sẽ phát sinh nhu cầu giao dịch mua bán nên dịch vụ sẽ phát triển tốt. Lúc đó, khả năng gia tăng giá trị của shophuse lớn hơn so với căn hộ chung cư bởi tính thương mại cao.
Song, ông Nam cho rằng, shophouse không hoàn toàn là sản phẩm ưu việt, cũng có những mặt hạn chế nhất định. Cụ thể, suất đầu tư khá lớn từ vài tỷ tới chục tỷ đồng/căn tùy vị trí và diện tích. Vì số lượng hạn chế nên giá cả của loại sản phẩm này ngang ngửa hoặc cao hơn những loại nhà phố mặt tiền, cao hơn các căn hộ chung cư trong đô thị.
Đặc biệt, giá trị của suất đầu tư này còn phải phụ thuộc vào một vài biến số: dịch vụ tiện ích của tòa nhà phải tốt, khả năng lấp đầy chung cư phải nhanh, cộng đồng cư dân lớn hoặc không ít hơn 500 căn hộ, tương ứng với 1.000-1.500 cư dân trở lên.
Cuối cùng, nhược điểm của shophouse là một số dòng sản phẩm trên thị trường có quyền sở hữu lâu dài song một số chỉ có quyền sở hữu trong khoảng thời gian 50 năm. Vấn đề hạn chế thời hạn sở hữu sẽ khiến dòng sản phẩm này khó tiếp cận với một số nhà đầu tư quan niệm ăn chắc mặc bền.