Không làm theo thiết kế
Đây là chuyện muôn thuở luôn làm các kiến trúc sư chán nản, đau đầu. Nghiên cứu thiết kế rất kỹ, bản vẽ rất chi tiết, nhưng đến giai đoạn hoàn thiện chủ nhà lại hay tự “sáng tác”, cộng với việc nghe nhiều “lời khuyên” của người ngoài để tự điều chỉnh, sửa đổi. Tổng thể nội thất bị hỏng thì những chi tiết đồ đạc cũng không cứu lại được. Khi bố trí mặt bằng, kiến trúc sư đã nghiên cứu rất kỹ các loại bàn ghế, vị trí tủ kệ, vị trí các đồ vật trang trí… liên quan đến kích thước, kiểu dáng, màu sắc. Các yếu tố đồ đạc này có quan hệ mật thiết đến sàn, trần – chiếu sáng và các vị trí ổ cắm, công tắc. Khi một hoặc nhiều thứ bị chệch ra khỏi quỹ đạo thì sẽ gây nhiều hậu quả. Trước hết là, nội thất không đồng bộ (xấu), tiếp theo là có thể lệch lạc vị trí, thừa – thiếu, tương quan tỷ lệ không phù hợp. Cuối cùng, nếu không kiểm soát được vấn đề định vị, bố trí đồ nội thất và kích thước đồ thì có thể ảnh hưởng đến hệ thống kỹ thuật: một chiếc tủ cao quá, dài quá có thể che mất ổ điện, che mất mặt công tắc; thay đổi vị trí đặt tivi sẽ phải kéo dây ăngten dài – do sai vị trí định vị ban đầu…
Những việc thay đổi thiết kế khác như chất liệu, màu sắc… tưởng rằng chỉ là nhỏ, không gây ảnh hưởng nhiều; nhưng thực ra cũng góp phần làm cho nội thất căn phòng rơi vào tình trạng lủng củng, khập khiễng… Một cách bài trí phòng khách đẹp bằng sự kết hợp nhiều phong cách : tranh tường trang trí nguồn gốc thổ dân , ghế da và gối lại mang âm hưởng châu Âu . Tranh tường phong cách hiện đại kết hợp rất ổn với nội thất châu Á
Chưa làm được theo thiết kế
Trường hợp này rất đáng thông cảm. Nhiều chủ nhà đến giai đoạn hoàn thiện là… hết tiền. Thế nên họ không thể “đi tới cùng” với kiến trúc sư cùng bản thiết kế. Giải pháp cơ bản là… chờ. Những gì cố định như sàn, trần, vị trí chiếu sáng thì làm trước, còn lại để trống hoặc kê tạm, lắp tạm đồ cũ, đồ xấu xí rẻ tiền vào. Một bộ đèn chùm chưa sắm được thì lắp tạm một bóng đèn chiếu sáng bình thường để đủ dùng; một chiếc tivi LCD chưa có thì đành dùng tivi thế hệ cũ – dẫu to và nặng nề – nhưng thôi, cũng đành.
Việc này tưởng ra là làm đúng, đơn giản, vẫn tuân thủ thiết kế; nhưng thực tế cho thấy nếu chờ quá lâu thì kết quả cuối cùng cũng có nhiều sai lệch; hoặc chủ nhà quá quen với những gì tạm rồi, cũng chẳng thiết làm đúng thiết kế cho đồng bộ nữa. Nhiều khi chủ nhà lại thực hiện quá lắt nhắt trong một thời gian dài, nên cái mới làm thì mới, nhưng cái làm lần trước đã quá cũ rồi; không thể nào tạo nên một không gian, một dáng vẻ đồng bộ, hấp dẫn. Rồi có thể một số vật liệu, thiết bị trong thiết kế dần biến mất trên thị trường – cũng là một khó khăn khi hoàn thiện sau. Kinh nghiệm cho thấy rằng: để kết quả tốt, thì không nên chờ quá lâu, và khi triển khai phải làm hết, thật gọn.
Điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tế
Thiết kế nhiều khi nhìn thì đẹp mà làm thật thì cũng chưa hẳn là đẹp, lại bất tiện; hoặc có khi nhu cầu sử dụng của chủ nhà thay đổi. Một bể cá âm sàn kế bên phòng khách đẹp, nhưng lại chiếm diện tích và mất thời gian chăm sóc, một vườn cảnh nho nhỏ nhìn hợp lý trên mặt bằng nhưng thực tế lại gây vướng tầm nhìn. Có những thứ lại phát sinh trong quá trình sử dụng. Phòng khách đã ổn định nội thất, bỗng một ngày cô con gái đòi một chiếc… piano hay organ. Đàn thì không nhỏ, và không thể chỗ nào cũng kê được, vậy là phải “quy hoạch” lại phòng khách, tất cả đảo lộn tứ tung. Nhu cầu của chủ nhà có thể là đột xuất, cũng có thể thay đổi theo thời gian, theo mốt – xu hướng chung của xã hội. Khi ấy không gian nội thất của phòng khách cũng thay đổi theo, không còn nguyên bản như thiết kế ban đầu nữa, nhất thiết phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Đàn piano đặt trong phòng khách cần được tính toán thiết kế vị trí phù hợp. Tiếp đến là ví dụ về phòng khách chưa làm được theo thiết kế. Chỗ của chiếc tivi là treo tường phía trên cầu thang chứ không phải chắn ở cửa sổ.
Và trang trí…Có chuyện thế này: kiến trúc sư đến thăm chủ nhà sau khi công trình đã xây xong, thấy trong phòng khách – ở chỗ dự kiến treo một bức ảnh phong cảnh (nằm trong thiết kế), lại là… một bộ tứ bình khảm trai. Nội thất phòng khách thì theo phong cách hiện đại. Hỏi ra thì mới biết là chủ nhà được tặng hôm làm lễ tân gia. Quà “hoành tráng” thế, cộng với sự gợi ý nhiệt tình của khách: “Treo ở đây mới đẹp này!”. Không muốn mất lòng khách và sợ lần sau bị thắc mắc, nên chủ nhà đành chiều theo, dẫu biết thế là không ổn. Lại có trường hợp trong bản thiết kế, có một chiếc đèn rọi đơn trên tường (dành cho một bức tranh/ảnh) nhưng chủ nhà lại sắm một bộ ba bức, thế là khi bật đèn lên trông thật vô duyên vì chỉ có chiếc ở giữa được chiếu sáng, còn hai bức hai bên tối thui.
Người viết bài này nhiều lần đi tân gia khi xong công trình, một lần gần đây đã gặp một chủ nhà dặn rất kỹ những người được mời là đừng mua, đừng tặng bất cứ thứ gì trang trí như tranh, ảnh, đồng hồ… (bởi việc đó đã thực hiện rất chuẩn với sự tư vấn của kiến trúc sư, tại các vị trí “điểm nhấn” cần thiết, theo thiết kế). Chủ nhà hiểu rằng việc trang trí quá lạm dụng và không đồng bộ sẽ làm hỏng không gian phòng khách. Thế là, để không “làm khó” khách mời tới tân gia, chủ nhà nhắn thêm rằng: không phải mua quà gì cả, nhưng nếu có… chai rượu và đồ ăn cùng góp thì sẽ rất vui!
(Theo SGTT)