Anh Quang trồng hai loại mướp đắng mọc lẫn với nhau, làm ban công đẹp và mát mẻ hơn
Là một người chưa bao giờ làm nông nhưng anh Quang (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) lại có đam mê trồng rau. Sống trên tầng 12 chung cư, nhà lại chỉ có ban công nhỏ khoảng 3 m2 nhưng anh Quang vẫn trồng một vài loại cây trái như chanh, ổi hoặc hoa lan.
Trước khi quyết định trồng cây gì, anh Quang đều nghiên cứu kỹ để có được vụ mùa tốt. Hiện tại, anh đang rất vui khi bắt đầu thu hoạch những trái mướp đắng loại thường và loại có gai nhiều.
Cây mướp đắng leo bám vào lan can ở ngoài ban công nhỏ
Anh Quang chia sẻ kinh nghiệm như sau: khi bắt đầu trồng, anh trộn đất thịt, đất sạch cùng với phân trùn quế (tỷ lệ là 7 đất, 3 phân). Anh chọn loại chậu có đường kính khoảng 30 cm, sâu từ 40-50 cm. Ở Tp.HCM, các loại đất sạch bán sẵn thông thường là đất tro nên việc bổ sung đất thịt giúp giữ nước là cần thiết.
Đất được trộn theo công thức cuẩ anh Quang đủ dinh dưỡng cho cây trong vòng 2 tháng. Trong khi đó, cây mướp đắng có thời gian sinh trưởng và ra trái từ khi cây còn non vào khoảng 45 ngày. Do đó, trong quá trình này, chủ vườn cho biết không cần bổ sung thêm phân.
Do ban công nhà anh Quang ở hướng Tây nên việc cung cấp nước là quan trọng nhất. Do dó, dù khá bận rộn nhưng chủ vườn vẫn cố gắng tưới đều hàng ngày.
Dù trồng trên ban công hướng Tây ở tầng cao, nhiều nắng gắt nhưng mướp
đắng vẫn ra lá xanh tốt và đậu nhiều hoa, quả
Sở dĩ anh Quang chọn trồng mướp đắng là vì cây dễ sống, cũng không mất quá nhiều thời gian chăm sóc. "Chỉ cần một vài trái mướp với ít tôm khô cũng đủ để tôi nấu được nồi canh ngon nếu quên đi chợ", anh Quang vui vẻ nói.
Người chủ vườn tư vấn thêm, nếu nhà ai không ăn hết trái có thể giữ lại lấy hạt, sau đó cắt bỏ cây, làm lại đất và ươm trồng lứa mới.
Sau khi thu hoạch hết mướp, anh Quang cho biết sẽ trồng cà chua. Để đảm bảo khu vườn nhỏ bị nắng gắt chiếu quanh năm có nước tưới đều, anh Quang cũng chuẩn bị làm bình tưới nhỏ giọt.