1. Quan sát, đo đạc (đo kích thước tổng thể) hiện trạng để có thể nắm được kích thước và hình dáng cơ bản của căn nhà bạn vừa mua.
2. Liệt kê nhu cầu sử dụng của căn nhà. Nhà có bao nhiêu người ở hiện tại và tương lai, ghi rõ độ tuổi, giới tính của từng thành viên trong gia đình. Dựa vào hiện trạng nhà và số người trong gia đình để ước tính số phòng cần sử dụng, ví dụ như phòng khách, phòng bếp, bao nhiêu phòng ngủ và phòng vệ sinh, cần phòng chức năng nào khác nữa không? Dự kiến mức độ hoàn thiện của căn nhà và số tiền định chi ra cho việc xây nhà (nếu bạn không biết cần bao nhiêu kinh phí cho việc này thì có thể nhờ tư vấn của kiến trúc sư thiết kế).
3. Liên hệ với các công ty thiết kế kiến trúc và nội thất nhà ở (nhờ người quen giới thiệu hoặc tìm kiếm thông tin trên Internet...) để có được sự tư vấn hợp lý, cũng như tiết kiệm thời gian nhất. Khi trao đổi trực tiếp với kiến trúc sư thiết kế, bạn càng cung cấp nhiều thông tin (về gia đình, cách sinh hoạt, nhu cầu sử dụng cụ thể, phong cách ưa thích, thông tin về quy hoạch chung của khu vực...) cho kiến trúc sư càng tốt.
4. Sau khi có hồ sơ thiết kế, cần tìm hiểu và lựa chọn nhà thầu xây dựng (có thể nhờ ngay chính các công ty thiết kế giới thiệu). Căn cứ vào hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công sẽ báo giá (lập dự toán) chi tiết các hạng mục xây dựng và thời gian, tiến độ thi công. Đây là giai đoạn cần trao đổi rất kỹ lưỡng giữa chủ nhà và đơn vị thi công nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ đúng như thỏa thuận giữa hai bên.
5. Trong quá trình thi công, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể thuê một đơn vị hay cá nhân có chuyên môn xây dựng với tư cách trung lập để thay mặt gia đình bạn thường xuyên giám sát việc thi công.
Tham khảo bài viết "Làm thượng đế với kiến trúc sư" để hiểu rõ hơn.
KTS Bùi Việt Hoài
Công ty Kiến trúc A Cộng
Theo Đô Thị