Kịch bản nào cho thị trường BĐS trong ngắn và trung hạn?
Tại hội thảo "Giải pháp phục hồi thị trường Bất động sản hậu Covid19" do Báo Xây dựng phối hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup cho biết trong ngắn hạn và trung hạn, từ 12-24 tháng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc. Tuy nhiên, Covid không hẳn là nguyên nhân duy nhất tác động tới giao dịch bất động sản, trên thực tế, những xu hướng dịch chuyển này đã xuất hiện từ năm 2018 và trở nên rõ nét từ nửa cuối 2019.
Theo ông Hưng, những nét chính của thị trường trong ngắn và trung hạn được thể hiện rõ nét ở từng phân khúc thị trường. Về nhà ở đô thị, phân khúc giá rẻ luôn giữ vai trò điều tiết thị trường sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch. Phân khúc trung và trung bình khá được quan tâm hơn. Khách hàng quan tâm nhiều hơn tới tiện nghi và sự an ninh/an toàn, vì vậy, những nhà ở nằm trong khu đô thị với đầy đủ tiện ích và đặc biệt là y tế và trường học sẽ được ưa thích hơn là những dự án nhà ở riêng lẻ, thiếu tiện ích.
Ông Hưng dự báo năm 2023-2024 sẽ thiết lập một đỉnh cao mới của thị trường bất động sản Việt Nam. |
Bất động sản cao cấp vẫn sẽ gặp khó. Tuy nhiên, đây là phân khúc có độ “lì” cao, ít nhạy cảm giá. Biệt thự hoặc nhà liền kề trong những dự án cao cấp vẫn sẽ có khách hàng, giao dịch tốt hơn chung cư cao cấp.
Condotel, biệt thự biển sẽ thoái trào trong vài năm tới. Thay vào đó, căn hộ dịch vụ và những mô hình du lịch trải nghiệm như Homestay, Farmstay sẽ lên ngôi.
Second Home (ngôi nhà thứ 2) sẽ là một xu thế mới ở vùng ven các đô thị lớn. Ở Hà Nội, trong nhiều năm qua, những khu vực ngoại ô như Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì… đã nhiều lần sốt đất nhưng vẫn còn tự phát. Nay, các chủ đầu tư sẽ tập trung phát triển thành các khu nhà vườn ngoại ô một cách bài bản, với mục đích bán cho các khách hàng có nhu cầu ngôi nhà thứ 2 (để sử dụng riêng và có thể kinh doanh homestay). Hoà Bình hay Ninh Bình là những ví dụ tiêu biểu cho thực tế này.
Những loại hình khác như bất động sản công nghiệp (nhà xưởng), bất động sản logistic (kho tàng, bến bãi, căn hộ dịch vụ nằm gần khu công nghiệp…) sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nhìn chung, trong ngắn và trung hạn, thị trường bất động sản Việt Nam có thể chững lại về lượng giao dịch nhưng sẽ không xảy ra hiện tượng giảm giá sâu, thậm chí còn có thể tăng nhẹ, ngoại trừ loại hình bất động sản du lịch truyền thống.
Trong dài hạn, giai đoạn 3-10 năm tới, Việt Nam sẽ chạm tới một giai đoạn vàng của thị trường bất động sản. Đây là mức mà những nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn và người dân sẽ có tích luỹ tốt để có thể đầu tư bất động sản và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một trong những tác động của khủng hoảng do Covid gây ra là lượng cung tiền mặt tăng vọt ở nhiều cường quốc, khiến bất động sản ở các nước phát triển sẽ tăng theo, và điều này sau vài năm, sẽ tác động mang tính hiệu ứng đối với thị trường Việt Nam. Ông Hưng dự báo năm 2023-2024 sẽ thiết lập một đỉnh cao mới của thị trường bất động sản Việt Nam.
Tiềm năng của thị trường trong tương lai
Theo ông Tuyển, hậu Covid-19 có thể sẽ là cơ hội để bất động sản Việt Nam điều tiết, phát triển và thịnh vượng |
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, BHS Group cho biết, chưa cần đến biến cố Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn cung hạn hẹp, giá bất động sản tăng cao ở một số nơi, sự đổ vỡ cam kết của bất động sản nghỉ dưỡng. Covid-19 giống như một cú bồi mạnh khiến ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải tưởng tượng đến một cơn đại hồng thủy cuốn trôi mọi thành tựu kinh tế và một sự đổ vỡ trên diện rộng của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, trái ngược với kịch bản bi quan đó, từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, thị trường đã khởi sắc mạnh mẽ. Đơn cử Vinhomes Ocean Park bán trung bình 150 căn/tuần, Windham Lynn Times Thanh Thuỷ bán 50 căn/tuần, Sky Oasis - Ecopark bán 800 căn xuyên dịch, Legacy Hill Hòa Bình: trên 100 căn booking trong 1 tuần, Citadines Marina Hạ Long là 250 căn trong 15 ngày mở bán...
Ông Tuyển nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí, thị trường còn có những điểm sáng và những thay đổi bản lề để có một giai đoạn 2020-2030 phát triển mạnh mẽ hơn. Trong dài hạn thì cần sự tài tình của các cơ quan nhà nước điều tiết để quả bóng oxy không bị xẹp đi khi thu hồi dòng tiền (do lạm phát) hoặc không bị nổ tung khi thị trường quá hưng phấn khó kiểm soát. Còn về các chủ đầu tư, phần thắng sẽ thuộc về các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và đưa ra được các dòng sản phẩm có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu dài hạn của người mua. Hậu Covid-19 có thể sẽ là cơ hội để bất động sản Việt Nam điều tiết, phát triển và thịnh vượng”.
An An
>> Dòng vốn đầu tư sẽ tìm đường vào bất động sản sau đại dịch Covid-19
>> Sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phục hồi
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS & Covid-19 TẠI ĐÂY