Theo tính toán của giới chuyên môn, với giá phôi thép hiện nay, khi nhập về Việt Nam chỉ tương ứng 13 triệu đồng/tấn. Nếu cộng thêm chí phí sản xuất, chi phí tài chính, thuế GTGT… thì giá chỉ khoảng 16 - 16,5 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá bán của các hãng thép lên đến 2 triệu đồng/tấn. Nếu sử dụng phế liệu để sản xuất thép, giá thành còn rẻ hơn nhiều (chỉ khoảng 13 triệu đồng/tấn).
Giải thích việc giá phôi thế giới giảm gần cả trăm USD/tấn so với đầu năm nhưng giá thép trong nước vẫn không giảm, các hãng thép cho rằng giá bán hiện nay đã dưới “đáy”, không thể giảm được nữa. Nếu giảm tiếp, doanh nghiệp thép sẽ rơi vào tình trạng lỗ lã...
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, sở dĩ các nhà máy không giảm giá khi giá thế giới xuống thấp là để tăng chiết khấu cho các đại lý nhằm đẩy hàng ra càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, họ tính toán nếu các hãng thép có đua nhau giảm giá cũng khó có thể bán được nhiều hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Kết quả là người tiêu dùng chịu thiệt.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thép bộc bạch: Vấn đề hiện nay của ngành thép là đầu ra chứ không phải là giá nguyên liệu lên hay xuống vì sức tiêu thụ thép hiện đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 5 này, các doanh nghiệp trong hiệp hội chỉ tiêu thụ được 360.000 tấn, giảm 60.000 tấn so với tháng trước.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, cũng thừa nhận thị trường sụt giảm nghiêm trọng nên hầu hết các nhà máy đều giảm công suất từ 40%- 50% hoặc chỉ hoạt động cầm chừng từ nhiều tháng qua.
Theo giới kinh doanh thép xây dựng, hiện thị trường còn bị áp lực rất lớn từ thép Trung Quốc. Giá thép xây dựng tại Trung Quốc đang giảm khá mạnh nên họ chào hàng sang Việt Nam ngày càng nhiều. Giá phế liệu tại nước này hiện chỉ còn khoảng 470 USD/tấn (đã có thuế GTGT 17%), thép cây cũng giảm gần 20 USD/tấn, còn 650 USD/tấn (đã bao gồm thuế GTGT 17%), tức chỉ khoảng hơn 13 triệu đồng/tấn.
(Theo NLĐ)