Công nghệ sản xuất gạch không nung được đẩy mạnh
Trong năm 2016, Dự án đã hoàn thành bản dự thảo sửa đổi Nghị định 124/NĐ-CP và đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý VLXD. Các dự thảo khung chính sách khuyên khích đầu tư, chuyển giao công nghệ và khuyến khích sử dụng GKN và hạn chế sử dụng gạch đất nung đã được các chuyên gia thảo luận và góp ý lần thứ nhất.
Dự án đồng thời thực hiện thành công 3 dự án trình diễn tại Thái Nguyên, Đà Nẵng và Hải Phòng; Hỗ trợ nhà đầu tư GKN tiếp cận được vốn vay từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Hỗ trợ 1 dự án nhân rộng và đang thực hiện tiếp 2 dự án nhân rộng khác. Bên cạnh đó, việc đề xuất khung các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn GKN đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về sản phẩm GKN và bộ quy chuẩn về thiết kế thi công, nghiệm thu các công trình xây dựng sử dụng GKN...
Dự án cũng hỗ trợ 4 tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò hoffman và lò liên tục kiểu đứng góp phần quan trọng vào việc thực hiện theo Quyết định 567 và Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình xóa bỏ các loại lò đất nung và kế hoạch phát triển vật liệu không nung trong tương lai.
Trong năm 2017, Ban Quản lý dự án sẽ hỗ trợ 6 địa phương ban hành kế hoạch phát triển GKN, tăng cường sử dụng GKN và hạn chế sử dụng gạch đát sét nung, xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, dự án có sự đánh giá công nghệ chế tạo thiết bị GKN trong nước và chính sách hiện hành; đề xuất bổ sung các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy công nghiệp chế biến thiết bị sản xuất GKN trong nước.
Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&MT chủ trì tổ chức thực hiện theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg. Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.