Tính năng lớn nhất của sàn gỗ là ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Khả năng cách đất của sàn gỗ cũng tốt hơn so với gạch men. Tuy nhiên, khả năng chịu ẩm lại kém hơn.
Biết cách sử dụng, bảo quản để sàn gỗ đạt được độ bền tối đa (Ảnh minh họa). |
Ngoài ra, phải chú ý tới các thông số kỹ thuật như: Độ dày, độ mài mòn, khả năng chịu lực... có ghi trên bao bì của sản phẩm. Nếu chọn sàn gỗ dùng trong phòng khách, do phải đi lại và sinh hoạt nhiều nên chọn loại gỗ dày, có khả năng chịu được va đập tốt. Còn đối với phòng ngủ có thể chọn loại mỏng hơn, khả năng chịu được va đập thấp hơn. Một chi tiết quan trọng khác là kỹ thuật trong khi lắp đặt. Đây là một khâu rất quan trọng, cần kỹ thuật cao, tỉ mỉ vì chỉ cần sơ suất có thể làm cho những chỗ ghép có thể bị hở gây mất tính thẩm mỹ.
Do sàn gỗ có khả năng chịu được độ ẩm kém, nên khi thi công không được lắp đặt sàn gỗ trực tiếp dưới nền bê tông mà cần phải có một lớp lót nền. Lớp lót có thể dùng bằng xương gỗ, phom xốp bạc, hay cao su non... Lớp này không chỉ có tác dụng chống ẩm, mà còn có khả năng chống ồn cho nhà. Nếu sàn gỗ có hiện tượng bị đổ mồ hôi, cách xử lý tốt nhất là đóng kín cửa và bật điều hoà ở chế độ hút ẩm.
Mặc dù sàn gỗ công nghiệp đã được phủ một lớp chống cháy, chống trầy xước nhưng khi xê dịch các đồ đạc cũng cần phải nhẹ nhàng, chân của giường tủ nên lót bằng cao su hoặc nhựa.
Để tránh sàn gỗ có thể bị ngả màu, ngoài việc chọn những loại gỗ tốt, các gia đình phải tránh cho sàn gỗ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các tia cực tím, tránh làm đổ nước ra sàn nhà. Nên lau nhà bằng vải mềm đã vắt kiệt nước hay dùng máy hút bụi là tốt nhất. Tuyệt đối không được dùng các chất tẩy rửa để lau sàn gỗ.