Bàn thờ là nơi linh thiêng và tôn kính nhất của mỗi gia đình
Với người Việt Nam, bàn thờ là nơi linh thiêng và tôn kính nhất của mỗi gia đình. Việc chăm chút, dọn dẹp bàn thờ là cách để bày tỏ lòng kính yêu và tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã khuất. Vì vậy, mỗi độ năm hết Tết đến, công việc dọn dẹp bàn thờ luôn được các gia đình chú trọng.
Hiện nay, có một số quan niệm khác nhau về thời điểm thích hợp để lau dọn bàn thờ. Có nơi cho rằng phải làm trước ngày ông Táo chầu trời. Quan niệm khác lại cho rằng nên tiến hành công việc dọn dẹp trong thời điểm ông Táo vắng nhà, tức từ ngày 23 tháng Chạp đến trước ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp.
Trước khi lau dọn, gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên rồi thắp hương và khấn thông báo với các thần linh và gia tiên về việc hôm nay sẽ dọn bàn thờ. Đợi cho hương cháy hết gia chủ mới bắt đầu thực hiện công việc.
Khi bắt tay vào lau dọn, gia chủ cần chuẩn bị một chiếc bàn hoặc mâm có phủ giấy trắng hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương và các đồ thờ. Khi lau dọn, bạn nên dùng khăn mới và phải dùng nước ấm để lau bàn thờ và các bức tượng hay di ảnh.
Bát hương được coi là điểm trung tâm của bàn thờ, là vật thiêng liêng mỗi khi thắp nhang. Vì thế, để không phạm tâm linh, khi lau dọn bàn thờ nên hạn chế, xê dịch bát hương.
Gia chủ nên tỉa chân hương và chỉ nên để lại 3 chân. Việc để quá nhiều chân hương không chỉ khiến bàn thờ nhanh bụi mà còn mang lại điềm không tốt cho gia chủ. Chân hương tỉa ra chỉ nên đốt và thả tất cả tro xuống sông, hồ hoặc hòa nước để bón cây mà tránh đổ lung tung. Khi bàn thờ đã sạch bụi thì gia chủ mới nên tiến hành thay nước.
Khi lau dọn, nên cẩn thận và nhẹ nhàng với từng đồ vật vì trên bàn thờ được coi là những vật thiêng liêng và phù hộ cho gia đình. Tránh tuyệt đối làm đổ vỡ đồ khi lau dọn, vì như vậy là điềm xấu, không tốt và có thể dẫn đến tai họa. Sau khi lau dọn, gia chủ cần thắp hương và khấn một lần nữa để báo cáo công việc dọn dẹp đã hoàn tất, đồng thời cầu xin gia tiên phù hộ độ trì.