Hành trình tới Milan của tôi quả thực không dễ chịu chút nào. Từ Aarhus, Đan Mạch, tôi đi xe bus bốn tiếng đồng hồ xuôi xuống Copenhagen, đi phà qua Hamburg rồi dành nguyên ngày đi xuyên nước Đức tới Koln, từ đó bắt một chuyến tàu đêm qua Basel. Qua cửa sổ toa tàu, ngắm bao nhiêu hồ xanh, rừng biếc, núi non trập trùng của đất nước Thụy Sỹ xinh đẹp, bao nhiêu lần nhắm mắt và mở mắt, bao nhiêu lần quay sang hỏi người bạn đồng hành bên cạnh “Chúng ta đang ở đâu thế nhỉ?”. Sau 36 tiếng tàu xe xuyên châu Âu, tôi đã đặt chân đến Milan hoa lệ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi xuống ga Milan Centrale là "người ở đâu ra mà lắm thế". Khi bạn đã sống hàng năm cạnh một khu rừng vắng ngập tràn hoa bồ công anh ở một thị trấn nhỏ xứ Bắc Âu, bạn sẽ có cảm giác giống tôi lúc ấy. Đã quen với mùa hè dịu dịu 15 độ C của miền hàn đới, tôi đến Milan trong trang phục giống như của người Eskimo với ủng da, áo khoác mùa hè, khăn quàng cổ trong khi cô bạn ra ga đón tôi mặc quần short, áo hai dây, chân đi flip-flop. Trong phút chốc, cái nóng bức choàng lấy tôi tựa như những trưa hè oi nồng của Hà Nội.
Nước Ý đã chào đón tôi như thế. Với những chuyến tàu đông, ngột ngạt và nóng bức, tiếng cười nói ríu ran như chim, tiếng nhạc và kèn chộn rộn, chuông nhà thờ lảnh lót, chim bồ câu ngập tràn quảng trường Duomo, và nắng. Rất nhiều nắng.
Milan, trong mắt tôi, quả không hổ danh là chốn ăn chơi nhất nhì nước Ý.
Đây là thành phố lớn thứ hai của đất nước hình chiếc ủng và là thủ phủ của vùng Lombardy. Ngay từ thời Trung Cổ, Milan đã nổi bật là một trung tâm giao thương bận rộn và tới bây giờ đã trở thành một thành phố toàn cầu, trung tâm tài chính, thương mại và công nghiệp hàng đầu của Ý.
Với những kẻ du lịch bụi như tôi, Milan không phải chốn làm ăn, không phải nơi mua sắm (vì hàng hiệu ở Milan đắt cứa cổ). Milan là nơi tôi … ngắm người ta đi mua sắm.
Là kinh đô của ngành thời trang và thiết kế thế giới, một năm hai lần, Milan làm giới thời trang chộn rộn với tuần lễ thời trang Milan huy hoàng. Những nhãn hiệu đã làm nên tên tuổi của thời trang Ý đều đóng đô ở đây từ Valentino, Gucci, Versace, Prada, Armani cho tới Dolce & Gabbana.
Những cô gái luôn ý thức trong thời trang của mình |
Nằm ở nơi trái tim của thành phố là Galleria Vittorio Emanuele II – một trong những trung tâm mua sắm lâu đời nhất trên thế giới được đặt theo tên vị vua đầu tiên của Vương quốc Italy. Công trình kiến trúc đặc sắc này được thiết kế bởi kiến trúc sư Giuseppe Mengoni bao gồm hai dãy các cửa hàng bằng kính (arcades) nối với nhau bởi một kiến trúc hình bát giác ở giữa. Trung tâm của công trình này là một mái vòm kính lớn, dưới mái vòm này là bốn bức tranh gốm miêu tả biểu trưng của bốn thành phố trung tâm của Vương quốc Italy là Milan, Turin, Florence và Rome.
Cách gallery chỉ vài phút đi bộ là khu tứ giác thời trang Fashion Quadrangle, tên người ta đặt cho các khu phố thời trang sang trọng Via Montenapoleone; Corso Venezzia; Via Della Spiga và Via A. Manzoni, đây là nơi có mặt của các cửa hàng thời trang sang trọng như Hermès, Bvlgari, Moschino, Tod"s, Vuitton, Emporio Armani, Viktor & Rolf…
Tôi nhớ một nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng thực hiện một bộ ảnh với tên gọi “Những quý bà trên Đại lộ 5” miêu tả những phụ nữ ăn mặc thời trang, quý phái trên con phố mua sắm The 5th Avenue nổi tiếng của New York, thì ngay giờ đây trên những con phố của Milan như Via Montenapoleone, Via Della Spiga, tôi cũng có cảm giác như đang được xem một bộ ảnh tương tự. Dường như nơi đây mỗi người khi bước xuống đường, đều có ý thức họ phải ăn mặc đẹp, đẹp từ cách chọn kiểu váy, cách phối màu sắc, cách cầm túi xách tay, cách đeo một chiếc vòng cổ phá cách. Tôi ngẩn ngơ nhìn dân Milan tham gia vào một cuộc triển lãm thời trang đường phố phóng khoáng, tự do và đầy màu sắc. Anh bạn đi cùng tôi buột miệng “Ở Bắc Âu, mọi người ăn mặc đơn giản, toàn màu xám, màu đen, sang Milan thấy dân tình diện quá trời. Chỉ đi ngoài đường ngắm người cũng thấy thích rồi”.
Bỏ mặc anh bạn thi sĩ còn đang ngơ ngẩn ngắm những “nàng thơ” trên phố, tôi đi bộ lòng vòng về quảng trường trung tâm Plazza del Duomo với những đàn chim câu rợp trời níu chân du khách. Nổi bật trên quảng trường này là nhà thờ Duomo di Milano, một kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật có thể chứa đến 40.000 người. Đây là nhà thờ lớn thứ tư ở châu Âu chỉ sau thánh đường St Peter ở Vatincan, Saint Paul ở London, Anh và nhà thờ Seville của Tây Ban Nha. Thánh đường này cao 157m, theo kiểu Gothic được bắt đầu xây dựng từ năm 1386 và phải tới năm 1965, chiếc cổng cuối cùng dẫn vào thánh đường mới được dựng lên. Hơn 500 năm để hoàn thành kiệt tác kiến trúc này, những người thợ Ý tài hoa đã khắc họa những chi tiết điêu khắc tuyệt mỹ tạo thành một “tác phẩm thi ca bằng cẩm thạch” như lời ngợi khen của nhà văn nổi tiếng Mark Twain.
Dưới mái vòm của Plazza del Duomo vẫn còn hình chú heo rừng, loài vật được coi là biểu tượng của Milan. Theo truyền thuyết, người Celtic, những cư dân đầu tiên của thành phố xem heo đực là con vật thần thoại đã chỉ đường dẫn lối cho họ đến đây làm ăn sinh sống. Trên đỉnh chóp của nhà thờ là bức tượng đồng của Đức mẹ đồng trinh Maria được đặt vào năm 1774 và ngày nay trở thành hình ảnh quen thuộc của Milan.
Milan cũng là thánh đường của những người say mê hội họa, đặc biệt là những ai yêu thích các tác phẩm của danh họa Leonardo Da Vinci. Da Vinci đã có nhiều thời gian sống và làm việc ở thành phố này. Ông có nhà riêng ở Porta Orientale trong quận Santa Babila. Tài sản quý giá nhất mà họa sĩ lừng danh này trao tặng cho thành phố có lẽ là kiệt tác "Bữa tiệc cuối cùng" (The Last Supper) bức tranh tường mô tả cảnh bữa ăn cuối của Chúa Giêsu với các tông đồ, hiện còn được lưu giữ tại tu viện Santa Maria delle Grazie. Đây được coi là bức tranh tôn giáo được sao chép nhiều nhất của mọi thời đại.
Chia tay với Duomo và tu viện Santa Maria delle Grazie, tôi hẹn anh bạn nhà thơ tới nhà hát Teatro alla Scala hay còn được gọi tắt là La Scala, một trong những nhà hát opera hàng đầu trên thế giới. Theo truyền thống, mùa biểu diễn của La Scala thường được bắt đầu vào ngày 7/12 hàng năm – Ngày Thánh Ambrose, vị thánh bảo trợ của Milan. Tất cả các biểu diễn trong ngày ra mắt này đều phải kết thúc trước nửa đêm và vì thế những vở opera dài có khi được bắt đầu diễn từ thời điểm rất sớm trong ngày. Tôi đến với La Scala vì từng có thời gian dài say mê thứ âm nhạc vừa dữ dội, vừa da diết của Verdi và Puccini. Nhà hát này chính là nơi công diễn hàng loạt tác phẩm opera lừng danh của hai nhà soạn nhạc này như vở Otello vào năm 1887 (Verdi), vở Edgar (1889) và Madama Butterfly của Puccini (1904).
Trung tâm mua sắm Galleria Vittorio Emanuele II |
Milan là điểm dừng chân đầu tiên của tôi trên hành trình chinh phục nước Ý, cũng là điểm dừng chân cuối cùng trước khi tôi lên tàu ngược về Thụy Sỹ, qua Pháp rồi về đến Anh. Những ngày hè dài nóng nực của nước Ý rồi cũng dần trôi. Ngày tôi rời Milan, trời chuyển sang dịu mát. Trên những chuyến tàu dài, tôi vẫn còn thấy thấp thoáng bóng những con phố bận rộn, những cô gái Ý trẻ xinh tươi trong những bộ váy mùa hè rực rỡ sắc màu, thấp thoáng nhà thờ Milan và tu viện cổ, vọng về những lời hát say sưa của Verdi… Những ngày rất Ý đã qua nhưng tôi biết rằng với tôi tình yêu nước Ý sẽ còn đọng lại.
Những chạm trổ tinh tế của nhà thờ Duomo di Milano |
Bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của danh họa Leonardo Da Vinci tại tu viện Santa Maria Delle Grazie |
Một ngày Milan đông đúc và ngột ngạt, tôi thẩn tha ở góc ngã tư cạnh Galleria Victor Emmanuel II, chờ đợi buổi chiều hè nóng nực của nước Ý trôi qua một cách lười biếng và nhàn hạ. Trên phố, dân tình tấp nập trong cơn mua sắm điên cuồng cuối mùa sale. Ở một quán bar gần đó, người ta ồn ào trò chuyện giữa tiếng guitar rất ngọt của một nghệ sĩ không chuyên. Giữa đám người cười nói ấy, tách biệt một cô gái đứng lạc lõng hút thuốc, ngửa mặt thả khói bay lên trời. Đôi mắt buồn lơ đãng. Hình ảnh cô gái cạnh tấm biển có chữ taxi đỏ rực ấy tôi chưa khi nào quên.
Sau này, có dịp đi qua nhiều vùng của nước Ý, tôi có dịp gặp lại dáng hình ấy nhiều lần: trên một quảng trường nhỏ ở Verona, một bức họa trên vách tường Assisi, bên cửa sổ ở Siena, bậc cầu thang một ngôi nhà nhỏ ở Rome.
Ý để lại ấn tượng trong tôi là mảnh đất rất con gái! Và có một giây phút nào đó trong cuộc đời, bạn và tôi, cũng giống như cô gái ấy, “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”…