Có nhiều truyền thuyết xung quanh tên gọi Lalitpur. Phổ biến nhất là truyền thuyết về thánh Rato Machhindranath ở Assam, Ấn Độ được đưa đến thành phố bởi một nhóm ba người đại diện cho ba vương quốc của thung lũng. Một trong số ba người đó là một nông dân có tên gọi Lalit. Mục đích của việc đưa thánh Rato Machhindranath tới thung lũng là bởi họ có niềm tin mạnh mẽ rằng thánh Rato sẽ làm mưa, khắc phục tình trạng hạn hán tồi tệ đang diễn ra. Sau khi cầu mưa, người nông dân Lalit đã nỗ lực giúp thánh Rato định cư ở Lalitpur. Nhiều người tin rằng, tên của thị trấn được đặt theo tên của người nông dân Lalit để tưởng nhớ công ơn ông, và Pur ở đây có nghĩa là "thành phố" theo tiếng Nepal.
Lalitpur có nền nghệ thuật cũng như kiến trúc vô cùng phong phú và tự hào về số lượng đông đảo các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân về luyện kim và gỗ. Lalitpur còn được mệnh danh là "thành phố của nghệ thuật". Nó sở hữu một số lượng lớn các công trình đền, chùa, bảo tháp, tu viện với kiến trúc đặc trưng.
Những tòa nhà nằm bên trong khuôn viên này đều là những thành tựu vĩ đại nhất của triều đại Malla. Trong số các ngôi chùa ở đây, nổi bật nhất là ngôi đền Krishna thờ thánh Krishna.
Tầng đầu tiên là nơi đặt bức tượng của thánh Krishna. Đây là một trong những ngôi đền được đến tham quan nhiều nhất trong thành phố và là nơi tụ họp đông đúc hàng ngàn Phật tử trong lễ hội Janmashtami.
Chùa Vàng nằm gần Durbar Square được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 và được coi là địa điểm "đắt giá" nhất trong thành phố. Chùa Vàng có lối kiến trúc đền thờ ba mái, tiền sảnh màu vàng đồng và có 2 con sư tử đứng canh ở lối vào.
Hàng năm các du khách và Phật tử nô nức đến tham quan các kiến trúc đền thờ độc đáo và tìm hiểu các truyền thuyết được lưu truyền tại đây. Chính điều này đã tạo nên sự nhộn nhịp, huyên náo cho thành phố cổ nằm trong thung lũng này.