Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ngày 31/10 cho biết, CBSA đã có kết luận biên độ bán phá giá và biên độ trợ cấp lần lượt dành cho các nước có sản phẩm xuất khẩu liên quan. Theo đó, Việt Nam là 99,2% và 6,5%; Hàn Quốc là 53% và 11,3%; Trung Quốc là 91,9% và 11,6%. CBSA cũng cho biết, đã có bản phân tích, đánh giá chi tiết để đưa ra kết luận này và sẽ công bố trong vòng 15 ngày từ sau 31/10/2018.
Thời gian tới, việc điều tra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục được Toà án thương mại quốc tế Canada (CITT) thực hiện. Thời gian ban hành kết luận cuối cùng dự kiến vào ngày 2/12/2018.
Thép cán nguội của Việt Nam có thể bị áp thuế chống bán phá
giá và trợ cấp tại Canada. Ảnh minh họa
Nếu kết luận cuối cùng mà CITT đưa ra là có thiệt hại thì sản phẩm bị điều tra sẽ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (tương ứng với biên độ phá giá, trợ cấp), thời gian tính từ ngày thông báo kết luận của CITT.
Nếu kết luận cuối cùng mà CITT đưa ra không có hoặc không đe doạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nước này thì vụ điều tra sẽ kết thúc. Điều này cũng có nghĩa các sản phẩm bị điều tra sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và được hoàn trả toàn bộ khoản thuế đã nộp trước đây.
Trước đó, hồi tháng 5/2018, CBSA đã khởi xướng điều tra bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội dạng cuộn hoặc dạng thanh (cold-rolled steel in coils or cut lengths) được nhập khẩu hoặc có xuất xứ từ ba nước: Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này là thép cán nguội có các mã HS sau: 7209.15.00.00'; 7209.16.00.00; 7209.17.00.00; 7209.18.00.00; 7209.25.00.00; 7209.26.00.00; 7209.27.00.00; 7209.28.00.00; 7209.90.00.00; 7211.23.00.00; 7211.29.00.00; 7211.90.00.00; 7225.50.00.00
ArcelorMittal Dofasco G.P là doanh nghiệp đề nghị khởi xướng điều tra (nguyên đơn) trong vụ việc này. Thời kỳ yêu cầu điều tra là từ 1/4/2017 đến 31/3/2018.