Thép không gỉ cán nguội (CRSTS) nhập khẩu là mặt hàng đầu tiên bị kiện bán phá giá tại thị trường VN, kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào VN được ban hành từ năm 2004 đến nay.
Nhập khẩu ồ ạt hàng loại 2
Kể từ năm 2009 đến nay, đã có ba sản phẩm hàng hóa nhập khẩu bị kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, gồm kính nổi, dầu thực vật (dầu nành, dầu cọ tinh luyện) và thép không gỉ cán nguội. Hiện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đang trong quá trình tiếp tục điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật sau khi gia hạn thêm hai tháng điều tra kể từ ngày 12/6/2013. Dự kiến kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 8/2013. Riêng với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, trong vòng 90 ngày kể từ ngày có quyết định khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá (2/7/2013), kết luận sơ bộ của vụ việc sẽ được công bố. Và kết luận cuối cùng sẽ được ban hành sau 12 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra, trong trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm nhưng không quá sáu tháng. |
Trong đơn gửi Cục Quản lý cạnh tranh (VCA Bộ Công thương), nguyên đơn là Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình, thay mặt các nhà sản xuất thép trong nước khác, yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Nguyên đơn đã cáo buộc sản phẩm nói trên bán phá giá tại thị trường VN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.
So với mức thuế nhập khẩu 10% đang áp dụng, nguyên đơn đề nghị được áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức 20% đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, mức 20,8% đối với Đài Loan, 39,9% đối với Indonesia và 16,7% đối với Malaysia trong vòng năm năm “để đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của hàng hóa bán phá giá từ các nước xuất khẩu bị đề nghị điều tra”.
Chiếm đến 94,7% sản lượng sản xuất thép không gỉ cán nguội - loại thép được ứng dụng vào ngành công nghiệp sản xuất đồ gia dụng (bồn rửa bát, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm và những vật dụng khác), các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng, dụng cụ làm bếp, bộ đồ ăn (xoong, nồi, dao...), bồn nước - nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm nói trên đã nhập thép không gỉ cán nguội loại 2 (vốn là loại có chất lượng và phẩm cấp thấp hơn loại tiêu chuẩn) bán vào VN với giá thấp, gây áp lực rất lớn, làm giảm giá hàng hóa loại 1 của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tại thị trường VN.
Theo nguyên đơn, sự tấn công ồ ạt của hàng nhập khẩu đã khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp trong nước tăng đến 132% tính đến cuối năm 2012. Nguyên đơn cũng cảnh báo thị trường VN như là một khu vực tiêu thụ các sản phẩm loại 2 của các nước xuất khẩu.
Thị phần của các doanh nghiệp trong nước trong năm 2011 chỉ còn 35% so với mức 41% của năm 2010, trong khi thị phần nhập khẩu lại tăng từ 59% của năm 2010 lên 65% trong năm 2011. Đặc biệt dù ngành công nghiệp trong nước có đủ năng lực để đáp ứng tất cả nhu cầu trong nước do đã được đầu tư các dây chuyền và nhà máy sản xuất hiện đại hàng chục triệu USD, nhưng không thể sử dụng năng lực sản xuất do việc bán phá giá từ các sản phẩm nhập khẩu.
Trong nước mất thị phần
Theo nguyên đơn, nếu năm 2009 thép không gỉ cán nguội nhập khẩu khoảng 74.477 tấn thì đến năm 2011 lượng nhập khẩu nhảy vọt lên 99.825 tấn, tăng khoảng 34%. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ tiêu thụ được 81.053 tấn trong năm 2012, giảm gần 11.000 tấn so với năm 2011, công suất sản xuất cũng giảm từ 95% còn 54%. Các mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu về chủ yếu qua một số cảng như: Hải Phòng, Cát Lái (Tp.HCM), Tân Thuận (Tp.HCM)... Nhiều hàng nhập về theo hình thức nhập container, có cả hàng rời.
Sản xuất thép không gỉ cán nguội hiện gặp khó bởi hàng nhập khẩu từ nước ngoài |
Tại khu vực phía Nam, cảng Cát Lái là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp thông quan mặt hàng này nhất. Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng nằm trong nhóm bị kiện chống bán phá giá được nhập về ồ ạt, trong đó các mặt hàng thuộc mã HS 72193400 có lượng nhập lớn nhất. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2013, có 656 tờ khai với khoảng 40.290 tấn hàng thuộc mã này đã được thông quan, trong khi cả năm 2012 chỉ có 1.050 tờ khai với lượng hàng 66.682 tấn. Tương tự, sáu tháng đầu năm nay nhóm hàng mã HS 72193500 có gần 400 tờ khai được thông quan, trong khi cả năm 2012 chỉ có 585 tờ khai.
Theo ông M., đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm bị kiện chống bán phá giá, các mặt hàng thép không gỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp, làm hàng gia dụng... chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... Mặt hàng thép nhập khẩu về VN nếu có C/O form D (giấy chứng nhận xuất xứ khu vực ASEAN) sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% nên hầu hết đều về từ các nước thuộc khu vực được ưu đãi thuế. Ngay cả một số hàng có nguồn gốc từ châu Âu như Tây Ban Nha, Phần Lan... cũng “quá cảnh” qua các nước thuộc khu vực ASEAN, sau đó mới đưa về VN. “Các nhà sản xuất cũng có nhà máy tại các nước ASEAN nên không dễ để phân biệt được hàng có được sản xuất tại ASEAN hay chỉ quá cảnh ASEAN để lấy C/O” - vị này nói.
VN có thể kiện ngược Indonesia ra WTO Liên quan đến việc doanh nghiệp Indonesia kiện đòi áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng tôn mạ kẽm VN, ông Lê Sỹ Giảng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho rằng “phía Indonesia tổ chức điều tra luộm thuộm, vi phạm nhiều quy trình WTO”. Theo ông Giang, VN cũng đã khuyến cáo nếu Indonesia tiếp tục điều tra với vi phạm nhiều vậy, VN sẽ giữ quyền khởi kiện ra WTO. Về doanh nghiệp VN có nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế sự thiệt hại trước hàng xuất khẩu nước ngoài, ông Giảng khẳng định luật pháp VN về phòng vệ rất đầy đủ, Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẵn sàng xem xét nếu doanh nghiệp thu thập thông tin và có đơn. |