Ảnh minh họa |
Giám đốc Trung tâm Chính sách Thu nhập Quốc gia, Bộ Tài chính Indonesia, Astera Primanto Bhakti cho biết theo quyết định ký ngày 19/3 của Bộ trưởng Bộ này, được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã được Bộ Thương mại Indonesia chấp thuận, mức thuế nhập khẩu bổ sung từ 5,9-55,6% sẽ được áp dụng trong thời gian ba năm đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Trong đó, chịu mức thuế chống bán phá giá cao nhất 55,6% là các công ty Nippon Steel Corporation và Sumitomo Metal Industries Ltd của Nhật Bản, và mức thấp nhất 5,9%, dành cho công ty SYNN Industrial của vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ông Astera Primanto Bhakti nói rằng việc áp đặt thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu nói trên của Indonesia là hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho phép một quốc gia thực hiện biện pháp này trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu được bán dưới giá thành sản xuất.
Chủ tịch KADI, Bachrul Chairi cho biết Ủy ban đã tiến hành điều tra đối với thép cuộn và thép tấm cán nguội từ tháng 6/2011 dựa trên kháng nghị của Krakatau Steel -nhà sản xuất thép lớn nhất Indonesia, nói rằng công ty này đã bị thiệt hại đáng kể từ sự cạnh tranh của thép nhập khẩu được bán với giá thấp hơn trên thị trường trong nước. KADI đã đề nghị mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong trường hợp này tới 74%.
Trong tháng Mười năm ngoái, Bộ Tài chính Indonesia đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với sắt và thép tấm cán nóng từ Trung Quốc (10,47%), Singapore (12,33%) và Ukraine (12,5%) trên cơ sở đề xuất của KADI./.