Ngày 15/11, Tổng Công ty Thép Việt Nam(Văn phòng phía Nam) đã điều chỉnh giá thép tăng 300.000 đồng/tấn. Theo đó, giá bán thép cuộn tại nhà máy, chưa có thuế giá trị gia tăng ở mức từ 14,52 triệu đến 14,81 triệu đồng/tấn và từ 14,57 triệu đến 15,27 triệu đồng/tấn đối với thép cây. Tiếp đó, một số doanh nghiệp thép khác Vina Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá bán thép tương tự.
Lý giải việc tăng giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, giá thép và phôi thép thế giới tăng mạnh, cùng với đó là tỉ giá đồng USD đang ở mức khá cao làm cho phí đầu vào của sản xuất thép tăng theo.
Cụ thể, giá phôi thép trên thị trường thế giới sau một thời gian giảm xuống dưới 500 USD/tấn, nhưng đến thời điểm này đã tăng lên từ 570 đến 590 USD/tấn; thép phế cũng đạt tới 490 đến 510 USD/tấn; các chi phí đầu vào như giá than cốc, quặng sắt, xăng dầu cũng đều tăng.
Bên cạnh đó, sự tăng giá mạnh của USD so với VND đã khiến giá phôi thép đứng từ mức 12 triệu đồng/tấn tăng lên 13 triệu đồng/tấn. Tính thêm khoảng 1,5 triệu đồng chi phí gia công, giá thành của mỗi tấn thép đứng ở mức 14,5 triệu đồng.
Đối với những doanh nghiệp đã mua được phôi giá 12 triệu đồng/tấn thì giá bán thép thành phẩm ở mức trên còn có thể chấp nhận được, nhưng doanh nghiệp nào phải mua phôi ở mức 13 triệu đồng/tấn thì đang bị lỗ khá nhiều. Nếu thời gian tới, tỷ giá đồng USD trên thị trường vẫn dao động quanh mức 21.000 đồng/USD thì các doanh nghiệp thép sẽ điều chỉnh giá tăng thêm khoảng 600.000 đồng/tấn mới đảm bảo có lãi.
VSA cũng thừa nhận, hiện nay ngành thép trong nước có cả trăm nhà máy nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 30% ở mức công nghệ tiên tiến, 50% ở mức trung bình, còn 20% đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu. Tiêu hao dầu để sản xuất một tấn thép chỉ là 35 kg nếu được sử dụng dây chuyền hiện đại, trong khi các dây chuyền cũ tiêu tốn tới 50kg. Đây chính là lý do khiến giá thành sản xuất thép trong nước vẫn cao hơn các nước trong khu vực, dù chất lượng ngang nhau.
Vẫn phụ thuộc vào diễn biến thị trường
Cũng theo VSA, có một thực trạng khiến cho ngành thép luôn lo lắng trong nhiều năm qua là việc thép nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN tràn vào cạnh tranh gay gắt với thép trong nước, giá rẻ hơn từ 300.000 đến 400.000 đồng/tấn.
Hiện nay, nhập khẩu thép xây dựng từ thị trường ASEAN về Việt Nam phải chịu thuế suất 5%, nhưng có những lô hàng thép xây dựng khi nhập khẩu chỉ có mức thuế 0%. Điều này được VAS nhận định, có thể do hàng được trộn lẫn với các chủng loại thép khác như thép que hàn, thép 0% carbon... để tránh thuế cũng góp phần gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
Dự kiến, trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ thép trong cả nước khoảng 5,4 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung hiện tại đã lên tới 8 triệu tấn. Cung vượt xa cầu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên từng doanh nghiệp thép sẽ có mức điều chỉnh giá bán linh hoạt để đảm bảo ổn định sức tiêu thụ những tháng cuối năm nên giá thép sẽ tăng đột biến.
Tuy nhiên, với diễn biến thị trường phôi và thép phế thế giới, theo VSA, nếu giá thép phế, phôi nhập khẩu tiếp tục tăng, cộng với tỷ giá USD biến động, khả năng giá thép trong nước tăng theo từ nay đến cuối năm là có thể xảy ra. Song giá thép không thể tăng quá cao bởi như vậy sẽ khó tiêu thụ do phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Không chỉ vậy, trong đợt tăng giá vừa qua, một số doanh nghiệp thương mại đã “ôm” hàng, từ nay đến cuối năm là dịp để các doanh nghiệp này sẽ xả hàng để thu hồi vốn nên thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt lơn. Ước tính lượng thép tiêu thụ trong tháng 11, 12/2010 cũng chỉ ở mức trên 400.000 tấn/tháng, tương đương tháng 10.
Vẫn theo VSA, lượng thép tồn kho tính tới ngày 31/10/2010của các công ty thành viên là 322.872 tấn. Dự trữ phôi thép ở các công ty sản xuất trong tháng 10/2010 còn 550.000 tấn, cùng năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong tháng nên đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
(Theo Vietnam+)