Mặc dù vậy, sáng 18/8, trong buổi lễ ra mắt Hội môi giới BĐS khu vực phía Nam, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, tình trạng bong bóng tạm thời khó có thể xảy ra với thị trường BĐS như trước đó.
Nói như vậy là bởi tình hình phát triển của thị trường BĐS hiện đang bền vững. Giá BĐS cũng được duy trì ở mức ổn định nhờ sự thận trọng của những nhà môi giới địa ốc.
Song, ông Nam cũng cho rằng, chúng ta phải đề phòng với nguy cơ này ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Đây là điều có vai trò quan trọng từ các nhà môi giới và cả doanh nghiệp.
Theo báo cáo của VNREA, trong những quý vừa qua, tình hình giao dịch của thị trường đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2014, số giao dịch thành công của Hà Nội và Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng gấp đôi; lần lượt là hơn 9.200 giao dịch và hơn 8.700 giao dịch.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) |
Có được mức tăng ấn tượng như vậy cũng là nhờ sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác đang giảm đi rất nhiều (như chứng khoán, vàng, gửi tiết kiệm..). Trong khi đó, thị trường BĐS lại vươn lên giữ vị trí đầu bảng trong những kênh đầu tư sáng giá nhất.
Ông Nguyễn Trần Nam cũng nhận định, dù có lượng giao dịch tăng mạnh nhưng giá trên thị trường vẫn giữ ở mức ổn định, ngoại trừ tại một vài dự án bán tốt, giá tăng nhẹ từ 1-2%. Những dự án tốt sẽ hấp dẫn nhiều người mua, nên giá tăng cũng là chuyện dễ hiểu.
Ngoài tình hình giao dịch thì việc dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản hiện cũng là một vấn đề đang dành được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Điều này cho thấy, các quỹ đầu tư, công ty nước ngoài, người dân cho tới ngân hàng...tất cả đều nhận thấy "mảnh đất" này vẫn tạo được lợi nhuận tốt cũng như công ăn việc làm cho họ.
Số dư nợ tín dụng BĐS đã đạt hơn 360.000 tỷ đồng trong lĩnh vực ngân hàng đã tăng lên gấp 2 lần so với con số 180.000 tỷ (thấp nhất từ xưa đến nay) trong thời kỳ bắt đầu khủng hoảng của thị trường hồi năm 2009. Con số này còn vượt trên cả thời điểm đạt mức cao nhất 310.000 tỷ, đó mới là tính riêng tiền từ ngân hàng.
Với dòng vốn đến từ dân, lượng kiều hồi đổ về mỗi năm theo tổng kết là từ 11-12 tỷ USD. Nếu tính riêng trong lĩnh vực BĐS, lượng kiều hối thường nằm trong khoảng từ 2,5-3 tỷ USD.
Trong tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI, với việc chiếm 10%, lĩnh vực BĐS cũng chỉ đứng vị trí thứ 2 ngay sau lĩnh vực chế tạo.
Những yếu tố trên có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường BĐS. Ông Nam nhìn nhận: “Ngoài ra, chúng ta cũng có thống kê về thuế BĐS. Trong đó có thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ chắc chắn sẽ tăng nhưng nay chưa thu thập con số này. Và cần phải thu thập những con số này để có những đánh giá thị trường chuẩn xác”.
Dựa trên cơ sở này, trong khi những cơ quan nhà nước có thể đưa ra chính sách và cơ chế, người dân sẽ cập nhật được thông tin cần thiết còn phía doanh nghiệp lại đưa ra các chiến lược kinh doanh hợp lý cho chính mình.
Dù cho thị trường dần phát triển trở lại và có tính ổn định, song không loại trừ khả năng có những tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân có tầm nhìn ngắn hạn thông qua việc thổi giá, găm hàng, kích giá...Điều này là mối đe doạ rất lớn đối với thị trường và bong bóng cũng có thể xuất hiện từ đó.
Vậy nên, phía môi giới phải hiểu được vai trò của mình và giữ được sự trung thực, ổn định của mức giá để đem đến lợi ích cho người mua, như vậy mới có thể tồn tại được.
Ông Nam cũng cho hay: “Hiện nay một số quan chức đang có suy nghĩ BĐS không khéo lại thế này thế kia, có ý định cắt giảm dòng tiền đổ vào BĐS, và cũng có những ý định phát ngôn là phải giảm dòng tiền xuống.”
Dù vậy, theo quan điểm cá nhân của mình, ông Nam cũng không tán thành với quan điểm trên. Ông cho rằng, nếu không muốn thị trường gặp khó khăn như trước, cần phải tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để tạo động lực phát triển cho thị trường.