Hiện thị trường đang có những dấu hiệu tích cực. "Ăn khách" hơn cả là đất nền diện tích 30-50m2, nằm trên khu vực ven đô không quá xa trung tâm, với giá bán 15-20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, những dự án đất nền ở xa trung tâm trước đây bị đẩy giá lên quá cao nay giảm giá tới 50% nhưng vẫn không có giao dịch. Nhiều nhà đầu tư nhỏ, mua vào thời kỳ giá cao hiện chịu lỗ tới hàng tỷ đồng mà vẫn khó bán.
Không ít chủ đầu tư dự án bất động sản đang bị đặt nghi vấn về năng lực thực hiện |
Tương ứng với giá bán, lượng giao dịch BĐS thành công từ đầu năm đến nay cũng tăng đáng kể so với cùng thời điểm năm ngoái (quý I và II/2014, lượng giao dịch tăng gấp đôi), trong đó, có những dự án hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi như Royal City, Times City; hay giá bán, diện tích phù hợp số đông, quy hoạch đồng bộ như Đặng Xá (Gia Lâm).
Giao dịch BĐS tăng cũng góp phần làm giảm lượng tồn kho. Quan trọng hơn, thị trường đã có sự đào thải và tự điều chỉnh những dự án kém hiệu quả. Tuy nhiên, thống kê cho thấy lượng hàng BĐS tại Hà Nội vẫn còn rất lớn so với nhu cầu, (số lượng chưa đầy đủ là 370 dự án, trong đó 156 dự án đã giải phóng mặt bằng, 67 dự án đang giải phóng mặt bằng), với tổng diện tích đất hơn 17.765 ha, diện tích sàn nhà ở hơn 82,45 triệu m2. Chưa kể, để thực hiện toàn bộ tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 909.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội, những dự án khu đô thị, nhà ở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân. Điển hình là việc thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội hoặc không được kết nối đồng bộ với hệ thống chung của khu vực. Đa số dự án khi quy hoạch đều có trường học, trạm xử lý nước thải nhưng khi triển khai chủ đầu tư thường làm nhà để bán trước.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư phớt lờ trách nhiệm hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho người mua. Qua kiểm tra, không ít chủ đầu tư vi phạm quy định về sử dụng đất, "mua bán" dự án nên cũng không thể làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho cư dân.
Rà soát, chấn chỉnh thị trường BĐS nói chung, các dự án khu đô thị, nhà ở nói riêng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã giao Sở Xây dựng sớm hoàn chỉnh quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới; chủ trì cùng các sở, ngành thống nhất số liệu thống kê nhà ở để phục vụ cho việc hoạch định chính sách quản lý nhà ở, thị trường BĐS, lập kế hoạch - chương trình phát triển nhà ở hằng năm; đồng thời rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư, theo đó đánh giá kết quả thực hiện, phân loại, đề xuất nhóm dự án tiếp tục triển khai, nhóm dự án cần tạm dừng, nhóm dự án cần điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà ở xã hội, thành phố cũng yêu cầu phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ và xây dựng thị trường theo phân khúc sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu số đông người dân. Với dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai theo quy hoạch, có cam kết tiến độ khởi công, hoàn thành; xử lý những chủ đầu tư cố tình trì hoãn xây dựng.
Làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội rà soát, chấp thuận cho chuyển đổi nhiều dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội song chủ đầu tư còn "chùng chình" trong thực hiện, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi. Hà Nội "lo" năng lực của nhiều chủ đầu tư có "vấn đề" nên đã yêu cầu phải cam kết rõ tiến độ khởi công, hoàn thành, nếu không thực hiện sẽ thu hồi dự án giao chủ đầu tư khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị, Hà Nội cần rút ngắn thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội, giao một đầu mối để giảm bớt thủ tục; doanh nghiệp nhà nước phải chủ động tham gia và là chủ lực trong phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cũng rà soát các dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng để phân loại điều chỉnh; thậm chí dự án bỏ hoang, nếu được, cho chuyển đổi cả dự án sang nhà ở xã hội chứ không chỉ nhìn vào quỹ đất 20%.