Nguy cấp
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, 3 tháng đầu năm, lượng VLXD tiêu thụ trên thị trường thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 20-30%. Cụ thể, xi măng tiêu thụ được 10,94 triệu tấn, bằng 19,54% kế hoạch 2013 và bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái, tồn kho 5,5%.
Kính xây dựng tiêu thụ bằng 60% so với cùng kỳ, gạch ốp lát, gạch xây cũng chỉ chạm ngưỡng 65%, gạch không nung đạt 75% so với cùng kỳ… Như vậy, nếu tình hình này không được cải thiện trong 2 quý kế tiếp, nguy cơ dư thừa một lượng lớn xi măng, gạch, đá, kính xây dựng… có thể thấy rõ.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn đến từ thị trường trong nước, doanh nghiệp VLXD còn phải đối phó với sức ép từ bên ngoài. Theo Hội VLXD, một số doanh nghiệp xi măng đã phải bán dự án cho doanh nghiệp nước ngoài.
Theo thống kê, hiện nay các công ty có vốn FDI chiếm 33% công suất toàn ngành. Điều nguy hại nhất của vấn đề này là có thể tác động tới môi trường và an ninh biên giới.
Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia nên tránh hiện tượng đem bán cho nước ngoài. Nhất là các dự án nằm ở vùng nguyên liệu đá vôi hiếm như vùng Đông Nam bộ, vùng biên giới liên quan đến an ninh quốc gia.
Doanh nghiệp thép xây dựng cũng phải chịu tình cảnh bị chèn ép tương tự. Ước tính, sản xuất thép tháng 3 chỉ đạt 350.000 tấn, trong khi mức trung bình 400.000 tấn. Đến nay, lượng tồn kho thép thành phẩm khoảng 320.000 tấn, cao hơn so với mức cho phép là 220.000-250.000 tấn.
Trong tháng 2 đã có 4 doanh nghiệp thuộc VSA ngừng sản xuất, một số sản xuất cầm chừng. Ngoài những nguyên nhân như thị trường xây dựng và BĐS chưa có dấu hiệu hồi phục, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao… doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao của thép nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng lượng nhập khẩu sắt thép là 1,3 triệu tấn, tăng 9,3%, trị giá 941 triệu USD. Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), thị trường VLXD khó có chuyển biến đáng kể, chỉ hy vọng sẽ không xấu hơn năm 2012.
Bối rối đường đi
Trên thực tế, vấn đề tìm đường đi cho thị trường VLXD đã được đề cập từ cách đây nhiều năm, rất nhiều đề xuất, kiến nghị cũng đã được đưa ra như lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, giảm thuế, đóng cửa các nhà máy sử dụng công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, tìm đường xuất khẩu… nhưng gần như không mang lại những tác động rõ rệt.
Theo nhiều chuyên gia, gỡ rối cho thị trường VLXD đang như gỡ rối đằng ngọn, bởi khi thị trường BĐS vẫn tiếp tục trầm lắng, VLXD chưa thể có tương lai tươi sáng, những phương cách như xuất khẩu chỉ là bất đắc dĩ và Nhà nước cũng không thể thực hiện “ngăn sông cấm chợ” đối với việc nhập khẩu.
Thị trường BĐS trầm lắng khiến đầu ra của VLXD thêm khó. |
Tình cảnh khó khăn đó khiến hàng loạt doanh nghiệp không thể đợi được đến ngày “hái quả”, buộc phải sang nhượng lại dự án hoặc bán cổ phần cho doanh nghiệp khác. Từ cuối năm 2012, xu hướng M&A trong lĩnh vực này trở nên sôi động và dẫn đến những ý kiến trái chiều.
Ngoài thương vụ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) bán 70% cổ phần Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD cho Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia), còn nhiều cuộc thay tên đổi chủ ngoạn mục như thương hiệu số 1 trên thị trường gạch ốp lát Việt Nam Prime bán lại 85% cổ phần (khoảng 5.000 tỷ đồng) cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan; hay Tập đoàn The Vissai mua lại Xi măng Đô Lương từ Tập đoàn HUD…
Hội VLXD Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị một loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp VLXD. Theo đó, rà soát quy hoạch, cắt giảm dự án, không để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng tình hình khó khăn để thôn tính doanh nghiệp trong nước.
Cần sớm hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn, đủ sức mạnh cạnh tranh, làm chủ thị trường. Hội cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các đơn vị sử dụng VLDX nội địa, không dùng hàng nhập khẩu; sớm triển khai làm đường cao tốc, quốc lộ bằng bê tông xi măng; thi hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm gốm - sứ, kính xây dựng, đá ốp lát, kiểm tra các nguồn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam; quyết liệt hơn trong chống nhập lậu và thực hiện các hàng rào kỹ thuật với sản phẩm vật liệu...