Hôm 8/5 vừa qua, trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong khoảng tháng 6 tới, dây chuyền sản xuất clinker của công ty xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) dự kiến sẽ đi vào hoạt động với công suất ước đạt trên 3,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay các nhà máy xi măng như Đồng Lâm, Thạch Mỹ cũng đang chạy hết công suất.
Hiện tại, sản xuất và tiêu thụ xi măng trong nước vẫn đang ở thế cân bằng. Ảnh: Văn Nam |
Năm 2014, lượng xi măng sản xuất trong nước đạt khoảng 70,6 triệu tấn (tăng hơn 15% so với năm 2013), trong đó tiêu thụ trong nước đạt khoảng 50,9 triệu tấn, số còn lại là xuất khẩu. Ông Cung cho rằng, tình hình cung – cầu xi măng trong nước hiện nay vẫn đang ở trạng thái cân bằng.
Năm ngoái, các doanh nghiệp đều đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, clinker. Động thái này giúp giảm đáng kể lượng tồn kho của các nhà máy vào mùa tiêu thụ ít, giúp hỗ trợ dòng vốn cho các nhà máy, nhất là những nhà máy xi măng nhỏ. Các doanh nghiệp chiếm lượng xi măng xuất khẩu lớn lên tới 80% của toàn ngành trong năm vừa qua cũng vẫn là các ông lớn Vicem, Nghi Sơn, Chinfon, Thăng Long Vina, Vissai, Thăng Long … xuất khẩu sang các thị trường lớn như Bangladesh, Singapore, Hongkong, Malaysia, Philippines và Indonesia.
Tuy vậy, thị trường xi măng muốn giữ được thế cân bằng cung - cầu như hiện nay thì các doanh nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, bởi với 74 dây chuyền sản xuất hiện tại, tổng công suất thiết kế trong cả nước đã lên đến 82 triệu tấn/năm, cảnh báo về gánh nặng tồn kho cũng như khả năng mất cân đối cung – cầu (cung vượt cầu).
Dự báo, trong năm 2015, lượng tiêu thụ xi măng có thể đạt từ 71 -73 triệu tấn, tăng từ 4-7% so với năm ngoái.