Trước đây, phòng bếp thường được thiết kế ẩn, bao quanh bởi các bức tường, cửa ra vào và cửa sổ. Tuy nhiên, hiện nay, người ta có xu hướng loại bỏ những bức tường ngăn nhằm mở rộng không gian. Với thiết kế bếp mở, chúng ta có thể quan sát phòng bếp từ các góc khác nhau của căn hộ. Vì thế, sự thoáng đãng, thẩm mỹ, ngăn nắp... cần được đề cao.
Đảm bảo tầm nhìn thoáng đãng
Trong không gian mở, bếp và các khu vực chức năng khác thường được bố trí liền mạch, hòa vào nhau để tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng. Tuy nhiên, kiểu bố trí này vô tình khiến các không gian còn lại trong nhà bị ám mùi dầu mỡ, thức ăn trong quá trình nấu nướng. Nhằm khắc phục vấn đề này, nhiều chủ nhà đã thiết kế thêm cửa sổ hoặc cửa trượt kính bao quanh bếp để ngăn mùi dầu mỡ, khói bếp, đồng thời vẫn đảm bảo tầm nhìn thoáng đãng cho không gian. Với những căn bếp mang phong cách tối giản, vách kính không khung là lựa chọn lý tưởng hơn cả.
Cửa sổ kính giúp ngăn mùi thức ăn, dầu mỡ, đồng thời vẫn đảm bảo sự thông thoáng cho thiết kế bếp mở.
Đơn giản nhưng phải ấn tượng
Là một phần quan trọng của ngôi nhà, thiết kế bếp có tác động đáng kể đến cảm nhận chung về ngôi nhà. Hãy đưa vào bếp những màu sắc tạo bạo thông qua các thiết bị bếp cỡ lớn, chẳng hạn như một chiếc tủ lạnh màu đỏ Ruby bắt mắt nhằm lôi kéo sự chú ý vào không gian này. Ý tưởng trang trí này cũng góp phần làm tăng thêm nét cá tính cho căn bếp, nhất là khi hệ tủ bếp được thiết kế đơn giản.
Chiếc tủ lạnh màu đỏ Ruby nổi bật trong căn bếp tối giản.
Phân vùng rõ ràng
Thông thường, bếp sẽ được phân thành khu ướt và khu khô. Khu vực ướt để bố trí bồn rửa, máy hút mùi, bếp nấu, thường có vách ngăn. Khu vực khô dành cho tủ lạnh, tủ đựng thực phẩm khô. Hãy xác định ranh giới giữa hai khu vực thông qua vật liệu lát sàn, tường lửng hay đảo bếp.
Ngăn cách khu vực ướt và khu vực khô trong bếp thông qua vách kính.
Đảo bếp
Chẳng có gì gây ấn tượng hơn một đảo bếp di động. Bạn có thể dễ dàng di chuyển đảo bếp ra giữa phòng hay đặt gọn về một bên tường. Ngoài cung cấp thêm không gian mặt bàn để sơ chế thực phẩm, đảo bếp cũng được tận dụng làm bàn ăn và lưu trữ thực phẩm, dụng cụ bếp.
Đảo bếp vừa là nơi sơ chế thực phẩm, vừa là nơi để ăn sáng.
Bán đảo cũng đóng vai trò tương tự như đảo bếp nhưng là một phần mở rộng của tủ bếp vì nó được gắn liền với tường hoặc mặt bàn bếp, có nhiệm vụ phân tách bếp với phần còn lại của không gian sinh hoạt.
Giản lược mọi chi tiết
Với thiết kế tủ bếp không tay nắm, mặt phẳng của tủ được mở rộng, bóng bẩy và mượt mà hơn. Thiết kế như vậy giúp không gian bếp thêm phần ấn tượng, đảm bảo được tính năng của tủ bếp mà vẫn mang lại giá trị thẩm mỹ cao, không gây vướng mắt người nhìn, tạo sự gọn gàng, ngăn nắp cho không gian nấu nướng.
Góc bếp mang sắc đen cá tính được trang bị hệ tủ không tay nắm tối giản.
Bên cạnh đó, hãy cất giấu các thiết bị bếp phía sau cánh cửa tủ hoặc thiết kế âm tường để chúng không chiếm không gian trên mặt bàn. Về mặt thẩm mỹ, bếp từ cảm ứng với bề mặt bóng bẩy sẽ khiến căn bếp trông đẹp và sang trọng hơn.
Khánh An
>> 5 sai lầm thường gặp trong thiết kế bếp khiến cuộc sống gia đình thêm bất tiện