Một không gian sống nhỏ, lại đa chức năng trong một, việc tổ chức không gian và trang trí trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Làm thế nào để tận dụng tối đa các không gian, mà không bị chật chội, lộn xộn, đồng thời tạo ra phong cách riêng của từng người? Dưới đây là một số lời khuyên của KTS trong việc thiết kế một căn hộ studio.
>> Căn hộ studio là gì?
1. Phân chia không gian
Trong 1 không gian bao gồm nhiều chức năng: khách, bếp ăn, ngủ, tắm, vv… chúng ta có thể phân chia không gian bằng vách, màn cửa. Tuy nhiên, màu sắc và đồ đạc chính là ranh giới ước lệ, tách bạch các không gian chức năng, mà vẫn đảm bảo yếu tố “mở”.
Khi sắp xếp đồ đạc, cần tạo ra một trục giao thông chính, có thể đi tới mọi khu vực chức năng, mà không cần đi vòng qua bàn ghế hay đồ đạc. Bố trí giao thông theo hình chữ L sẽ tận dụng không gian tối đa cho đồ đạc và tách biệt các khu chức năng.
2. Màu sắc
Khi sơn tường, không nên dùng nhiều hơn hai màu. Vì đây là căn hộ nhỏ, màu sắc trên tường quá nhiều sẽ làm căn phòng tối và chật chội. Thay vào đó, hãy dùng những gam màu nhẹ nhàng. Bàn ghế nên đi cùng tông màu với tường. Những sắc đỏ, cam, xanh, vv… có thể dùng để décor một mảng tường tạo ra phong cách riêng, và điểm nhấn khiến căn phòng không bị mờ nhạt. Hệ thống chiếu sáng có tác dụng làm đẹp căn hộ, lựa chọn sao cho phù hợp với bảng màu trang trí.
3. Bố trí nội thất
Để tận dụng tối đa không gian và sắp xếp một cách hợp lí, mọi đồ đạc được chọn đều phải thật linh động và tương xứng với không gian nhỏ.
Giường: Một bộ sofa có thể đảm nhiệm hai công năng, vừa là giường ngủ vừa là ghế ngồi tiếp khách. Hoặc, với một chiếc thang bạn có thể không gian ngủ làm hai. Phần trên sẽ là một chiếc giường bệt, để ngủ. Phía dưới sẽ là góc học tập, đọc sách.
Bàn ghế: chiếc bàn gấp có thể mở khi ăn trưa, ăn tối, sau đó gấp lại cho gọn gàng. Nếu muốn có khoảng để trưng bày kỉ vật, bạn có thể chọn một chiếc bàn đứng để sách vở, giấy vờ, và kỉ vật.
Bếp: một chiếc tủ bếp và tủ lạnh nhỏ là vừa đủ cho cuộc sống của người độc thân. Quầy bar nhỏ xinh tại khu vực bếp, vừa là bàn ăn, vừa là nơi trưng bày tranh ảnh, hay sách nấu ăn khi không sử dụng.
Không gian lưu trữ đồ: Bất kể đồ đạc nào cũng nên lưu ý đến việc có khả năng lưu trữ. Ví dụ, giường có đáy có thể chứa được đồ, bậc cầu thang làm ngăn tủ, vv… Những chiếc bình gốm, giỏ đan sẽ là nơi lưu trữ các giấy tờ hay những đồ vật nhỏ, vừa có tổ chức và tạo ra phong cách đặc biệt.
(Theo Dothi)