Căn hộ chung cư vẫn tồn tại những vấn đề cần khắc phục, trong đó nổi bật là các vấn đề về an toàn và tiện nghi. Tại những căn hộ CCCT như hiện nay, đã từng xảy ra các vụ tai nạn như: trẻ em rơi từ căn hộ trên cao xuống, sự cố cháy, ngập trong các căn hộ được phản ánh trong thời gian qua. Do vậy, cần xây dựng quy trình thanh kiểm tra làm rõ các yếu tố vi phạm và lách luật của chủ đầu tư và người thiết kế, các hành động “tận dụng” thay vì áp dụng để hạn chế các hiện tượng mất tiện nghi và an toàn cho cư dân nhà chung cư.
Ngập nước trong tầng hầm nhà chung cư cao tầng tại Tp.HCM
Chung cư - căn hộ có thực sự an toàn?
Thời gian vừa qua, việc phát triển nóng các loại hình nhà ở CCCT, đặc biệt ở các đô thị lớn đã chứng tỏ nhu cầu lớn cho loại hình nhà ở này. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông gần đây đưa rất nhiều tin tức liên quan đến các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ở khu nhà cao tầng dưới nhiều dạng và hình thức khác nhau.
Các sự việc trên đã chỉ rõ những vấn đề thiếu an toàn và tiện nghi của nhà chung cư, nguyên nhân từ chính các phương án thiết kế công trình còn thiếu và yếu, đặc biệt chưa phù hợp với các yêu cầu sử dụng, lối sống sinh hoạt, các điều kiện tự nhiên xã hội mà công trình cần đáp ứng được. Nguyên nhân bắt nguồn từ khâu thiết kế tổ chức không gian và hệ thống kỹ thuật, vận hành sử dụng tòa nhà và căn hộ chung cư có thể dẫn đến những nguy hiểm về tính mạng người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như trẻ em, người già, người tàn tật.
Nếu muốn nâng cao chất lượng tiện nghi sống của con người và làm giảm thiệt hại về tài sản của cư dân trong các khu nhà ở, CCCT, thì ngoài các ảnh hưởng nguy hại đến tính mạng con người, các tác động làm giảm tính tiện nghi cũng là vấn đề cần xem xét.
Trên thực tế, hiện tượng úng ngập cũng không hiếm xảy ra trong nhà cao tầng. Ngày 25/5/2016 vừa qua, do mưa lớn kéo dài hàng nghìn cư dân sống tại tòa nhà HH2 - khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội) đã bị cô lập, bao vây hệt như “ốc đảo” suốt 2 ngày.
Cháy tầng để xe nhà chung cư cao tầng tại Hà Nội. (Ảnh: Zing.vn)
Tại Tp.HCM, cơn mưa lớn nhất năm làm nước tràn vào hầm chung cư Green Hills (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), nhấn chìm ôtô, xe máy và khiến hàng trăm cư dân phải chịu cảnh mất điện. Do thang máy 14 tầng không hoạt động, nhiều người già, trẻ nhỏ phải đi bộ lên các tầng trên. Một số khác không chịu nổi đã đến nhà người thân ở tạm.
Các tầng trên cao cũng không tránh được cảnh “ngập úng” khi vào ngày 26/6/2016, nhiều cư dân ở khu vực tầng 21 tòa nhà CT12B, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) hốt hoảng khi thấy nước bất ngờ phun mạnh từ thang máy ra ngoài sảnh, tràn cả vào nhà. Tại thời điểm ngập, cả 7 thang máy đều ngừng hoạt động. Người dân phải chịu cảnh “cấm cung trên cao”. Nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là do dây cao su bị hỏng khiến đường ống cấp nước sạch bị vỡ.
Ngày 23/5/2012, sự cố mất điện toàn diện tại chung cư Keangnam - Hà Nội khiến 6 cư dân toàn nhà (trong đó có 2 cháu nhỏ) bị nhốt chặt trong thang máy.
Các khảo sát gần đây cũng cho thấy thiết kế nhà chung cư (cũng như các thiết kế công trình khác) đang bỏ rơi người khyết tật. Dễ thấy nhất là thiếu các lối dốc lên cho xe lăn, hay hệ thống thang máy có bảng điều khiển quá tầm với hoặc không phù hợp với thị giác của người khuyết tật. Điều này gây rất nhiều phiền phức cho gia đình và bản thân người khuyết tật.
Đâu là nguyên nhân chính?
Mất an toàn và tiện nghi từ thiết kế kiến trúc
Tính tiện nghi và an toàn trong thiết kế luôn là vấn đề tương hỗ với nhau. Đảm bảo tốt các tiện nghi thường sẽ tăng độ an toàn và ngược lại, tai nạn cho cư dân nhà chung cư sẽ tăng vọt nếu các tiện nghi không được đảm bảo tốt. Thiết kế kiến trúc tòa nhà và căn hộ chung cư thường có độ phức tạp cao, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về an toàn và tiện nghi cho nhiều loại đối tượng sử dụng khác nhau.
Thiết kế chung cư cần phải an toàn cho người sử dụng
Các thiết kế còn chủ yếu coi trọng hình thức bên ngoài, chạy theo lợi nhuận đầu tư và số m2 sàn bán được, trong khi đó thiếu các nghiên cứu thiết kế đảm bảo về hệ số an toàn đặc biệt là “tính xã hội” trong đó nổi bật là lối sống, tâm lý tập quán của người sử dụng ở các lứa tuổi, trình độ nghề nghiệp khác nhau.
Thiết kế căn hộ còn tạo ra các căn hộ “hầm mộ” - tức là loại căn hộ có ít nhất một phòng không có cửa sổ liên hệ trực tiếp với không gian bên ngoài. Tuy đã có giảm bớt, nhưng các thiết kế loại này vẫn còn nhiều, thậm chí ở các căn hộ được quảng cáo là cao cấp. Các thiết kế kiểu này trước mắt chỉ tác động về tiện nghi nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến các triệu trứng tâm lý “Hội chứng tâm thần nhà chung cư” mà các nghiên cứu tại các nước phát triển đã chỉ ra.
Cũng do tiết kiệm về tiện ích nên thiết kế cũng tổ chức các căn hộ theo hành lang “sâu hun hút”. Không có khoảng ngừng và đảm bảo khả năng tiếp cận đến các lối thoát hiểm trong khoảng cách 25m.
Thiết kế thang thoát hiểm đã được chỉ rõ có ít nhất 1 thang tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài nhà. Nhưng xu hướng các kiến trúc sư thích tổ chức thang gọn chặt và không gian lõi, tạo điều kiện tối đa thiết kế các căn hộ chung cư hướng ra mặt tiền nên nhiều trường hợp thang thoát hiểm bị vây kín, thiếu không khí và ánh sáng tự nhiên trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra trong nhà cao tầng, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.
Việc ra đời các mô hình kiến trúc mới như mô hình nhà ở chung cư hỗn hợp hiện cũng đang làm khó cho kiến trúc sư bởi việc sử dụng chung cùng lúc các chức năng ở - thương mại - văn phòng trong cùng tòa nhà dễ gây nên các xung đột về tiện ích sử dụng cũng như làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Mất an toàn từ thiết kế hệ thống kỹ thuật
Với hệ thống kỹ thuật, thông thường các tòa nhà chung cư hiện nay đều có các hệ thống đường ống kỹ thuật rất phức tạp. Do vậy chi phí lắp dặt, bảo dưỡng và tranh chấp trong quá trình sử dụng thường phát sinh cao.
Sử dụng điện và nguyên liệu đốt cháy là nhu cầu cơ bản và ngày càng lớn của xã hội hiện đại. Những tòa nhà cao ốc, khu CCCT là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình vì vậy nhu cầu sử dụng nhiên liệu khổng lồ gây áp lực rất lớn tới hệ thống truyền tải.
Nước thải sinh hoạt nếu không được xử lý khép kín sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường sống của gia đình. Vì vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi thiết kế nhà cần lên kế hoạch thiết kế hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.
Với thiết kế hệ thống thang máy, do thiếu các quy định tính năng an toàn, chất lượng kỹ thuật nên thang máy có chất lượng sử dụng kém, dễ bị rơi, hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt thậm chí tính mạng cho người dân.
Theo quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, mỗi tòa nhà chung cư cần có một bể nước chữa cháy độc lập có dung lượng và khối tích đáp ứng đủ nhu cầu chữa cháy ban đầu cho tòa nhà. Việc đầu tư một bể khối tích lớn nằm chết mà vẫn phải bảo trì bảo hành định kỳ dẫn đến một khoảng lãng phí không nhỏ trong khi nhu cầu nước sinh hoạt cho cư dân bên trong tòa nhà là không bao giờ đủ.
Vì thế, dưới áp lực của chủ đầu tư, một hệ thống ống nối được cấy thêm nối liền bể nước sinh hoạt và bể chữa cháy. Tuy cư dân có thêm nước sinh hoạt, chủ đầu tư đỡ được tiền đầu tư ban đầu nhưng khi có cháy, bể chữa cháy không có đủ nước nên rất nhiều trường hợp thiết bị chữa cháy tự động không thể hoạt động đúng công suất mong muốn. Lợi ích trước mắt có nhưng thiệt hại cho người dân và xã hội là không thể tính được.
Các hệ thống cung cấp năng lượng trong đó đặc biệt là hệ thống cung cấp gas cũng là nguy cơ rất lớn gây ra các vụ hỏa hoạn trong nhà chung cư, mà hầu như thiết kế còn bị thả lỏng, thiếu các quy định về thiết kế cần thiết.
Mất an toàn và tiện nghi từ thiết kế sử dụng vật liệu xây dựng
Việc thiết kế chỉ sử dụng các loại vật liệu thi công xây dựng và hoàn thiện kém chất lượng, không phù hợp với tòa nhà và căn hộ chung cư có thể gây nên trước hết các ảnh hưởng về tiện nghi sử dụng công trình, tiếp đến là các vấn đề về an toàn sử dụng trong trường hợp có các sự cố xảy ra.
Trường hợp tiêu biểu nhất là vật liệu kính trong cửa sổ và cửa ban công. Trên thị trường có rất nhiều loại kính với các tính năng và chất lượng rất khác nhau. Trong nhiều trường hợp, do thiếu các quy định cụ thể nên người thiết kế “vận dụng linh hoạt” cho phép sử dụng các loại kính thiếu an toàn, kính mỏng hơn so với yêu cầu hoặc vỡ thành miếng có cạnh sắc khi bị lực tác động). Điều này rất mất an toàn trong trường hợp có gió bão lớn, hoặc trẻ em nghịch làm vỡ kính.
Bên cạnh việc sử dụng có ý thức và vận hành khoa học cho tòa nhà và căn hộ chung cư cao tầng, công tác thiết kế cần được hoàn thiện để có thể hạn chế tối đa các rủi ro và tai nạn thương tích cho người sử dụng.